Sáng 24/5, góp ý kiến tại hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến việc Ban soạn thảo đề xuất mở rộng hình thức tố cáo, từ chỗ chỉ chấp nhận gửi đơn và trực tiếp đến cơ quan chức năng, có thêm các hình thức như: fax, thư điện tử, trình bày trực tiếp bằng lời nói qua điện thoại với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Gần 20 đại biểu đã bày tỏ băn khoăn và phản đối việc dự thảo Luật mở rộng cách thức tố cáo như nêu trên. Ông Trần Văn Mão nêu vấn đề, thực tiễn nhiều năm qua với hai hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo truyền thống, qua giải quyết cho thấy tỷ lệ tố cáo đúng chưa tới 20%, tới đây mở rộng ra thì tỷ lệ này có thể còn thấp hơn.
"Chỉ một cú điện thoại hay một tin nhắn mà chúng ta phải huy động các lực lượng giải quyết trong thời gian dài thì có nên không, Quốc hội cần cân nhắc điều này", ông Mão nói.
Đại biểu Vương Văn Sáng đề nghị bỏ quy định cho phép tố cáo qua điện thoại bởi hình thức này dễ dẫn đến tố cáo nặc danh, bị lợi dụng để bôi nhọ uy tín, quyền lợi người bị tố cáo.
Nhận định đây là đạo luật khó trong thời đại công nghệ, mạng xã hội bùng nổ, song đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị giữ hai hình thức tiếp nhận tố cáo truyền thống bởi “như vậy mới xử lý được".
Ông Võ Đình Tín phân tích, trong thời đại công nghệ việc sử dụng thư điện tử, điện thoại,... rất thuận tiện cho người dân, nhưng nếu mở rộng thì sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, nặc danh gây khó khăn cho cơ quan tiếp nhận, xử lý.
"Trong giải quyết tố cáo luôn cần ba chủ thể là người tố cáo, người giải quyết và người bị tố cáo. Nếu hình thức tố cáo được mở rộng, sẽ khó xác định người tố cáo là ai; hơn nữa khi mở rộng sẽ cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, với điều kiện hiện nay thì nhận tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại khó thực thi", ông Tín nói.
Trước các ý kiến trên, Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng tố cáo là quyền Hiến định, do vậy Nhà nước cần tạo điều kiện cho công dân tố cáo và cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời đầy đủ.
"Ví dụ tôi đang ở TP HCM, phát hiện một người thân của tôi bị ai đó yêu cầu phải đưa một khoản tiền khi giải quyết công việc. Tôi biết được điện thoại của cơ quan nơi người đó làm việc và gọi đến tố cáo, không lẽ chúng ta bỏ qua kênh thông tin quan trọng này. Đây cũng chính là hình thức mà công an gọi là tin báo tội phạm", ông Cầu nói.
Theo ông, để kiểm soát được quyền lực của quan chức thì cần làm tốt kiểm soát nội bộ, đồng thời bên ngoài như người dân, báo chí,... cũng phải giám sát được. Cách đây 13 năm, luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.
"Trước đây Quốc hội đã chấp nhận nhiều hình thức tố cáo rồi, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao bây giờ chúng ta lại đề nghị bỏ tố cáo qua điện thoại, thư điện tử?", ông Cầu nói.
Giám đốc Công an Nghệ An cũng nhấn mạnh, không nên vì thấy chấp nhận thêm hình thức tố cáo sẽ gây khó cho cơ quan quản lý Nhà nước mà ngần ngại, "cán bộ, công chức ăn lương của nhân dân thì phải làm".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, "bây giờ là thời đại 4.0 mà không sử dụng điện thoại thông minh thì sẽ quay về thời kỳ 0.4". Vì thế, theo ông, không thể vì nhà chức trách thấy khó khăn mà thoái thác quyền tố cáo của người dân.
Cần bảo vệ vị trí công việc của người tố cáo
Dự thảo Luật dành riêng một chương quy định về việc bảo vệ người tố cáo, bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vợ, chồng...
Đại biểu Nguyễn Văn Man cho rằng, ngay cả khi việc tố cáo đã được giải quyết thì người tố cáo cùng người thân của họ vẫn có thể bị đe dọa, nguy hiểm. Chung quan điểm, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh cần bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo trước nguy cơ bị luân chuyển, thay đổi công việc.
Dự kiến ngày 12/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).