Trời chiều, con đường nhỏ trong khu dân cư thuộc quận Bình Tân (TP HCM) dần đông người qua lại. Đối diện căn nhà cấp 4 có chiếc máy may cũ đặt phía trước, nhiều ánh mắt đàn ông không bỏ qua bất kỳ động tĩnh nào từ ngôi nhà. Họ chính là trinh sát đang mật phục tên tội phạm trốn truy nã - tay giang hồ "số má" của đất Cảng.
Cho đến lúc gã thanh niên mặt xương, mũi to, mặc áo thun trắng dắt xe máy từ trong đi ra, đại úy Võ Duy Thắng, Đội phó Đội 3 Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) Công an TP HCM, ra hiệu cho đồng đội từ mọi ngả cùng xông đến. Chỉ một thế võ, tay của gã này đã bị khóa, khẩu rulô đã lên đạn giắt trong lưng quần anh ta lập tức bị thu giữ. Sự việc diễn ra trong chốc lát khiến kẻ bị bắt, Trần Quang Việt (tức Việt “Cá”, 36 tuổi, ngụ quận Lê Chân, Hải Phòng) không kịp chống cự. Còn người dân xung quanh cũng không giấu được sự ngỡ ngàng.
Một kẻ truy nã có mang theo "hàng nóng" bị khống chế. Ảnh: Q.T |
Đó là chập tối một ngày giữa tháng 11/2011. Việt "Cá", một tên giang hồ cộm cán tại đất Cảng luôn mang theo “hàng nóng” và sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai gây hấn với hắn. Tháng 9/2010, do tranh giành địa bàn bảo kê, Việt bắn vào ngực người đàn ông 40 tuổi rồi bỏ trốn vào Sài Gòn. Dù mang lệnh truy nã tội Giết người của Công an Hải Phòng, nhưng hắn vẫn tung hoành trong "nghề" cá độ bóng đá, đòi nợ thuê, thậm chí cả giết người theo "đơn đặt hàng". Đến tháng 7/2011, thêm một doanh nhân tại quận Tân Bình suýt chết dưới họng súng của Việt vì mâu thuẫn trong làm ăn với đối tác.
Sau nhiều ngày lần theo dấu vết, các trinh sát PC52 phát hiện Việt “Cá” lẩn trốn tại khu vực quận Bình Tân và luôn thủ sẵn khẩu súng đã lên nòng. "Nhiều phương án "cất lưới" được đưa ra bàn thảo để đảm bảo an toàn cho anh em và cho cả người dân", đại úy Thắng kể.
Các trinh sát phong tỏa căn nhà Việt thường lui tới đều phải mặc áo chống đạn. Khoảnh khắc hiếm hoi tên sát thủ mất tập trung, đại úy Thắng cùng 3 trinh sát ập đến.
"Ròng rã mấy tháng trời truy tìm dấu vết, hôm ấy được xem là “thời điểm vàng” để cất mẻ lưới hốt gọn Việt Cá. Lúc đó, anh ta đang dắt xe, không có cơ hội rút súng. Nếu không hành động trong chớp nhoáng, hắn sẽ chống trả để trốn chạy. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho anh em và cả người dân", vị Phó đội trưởng chia sẻ.
Ngoài những nhiệm vụ hiểm nguy, cảnh sát truy nã còn cần phải khôn khéo, nhanh nhạy trong cách xử trí. Thiếu tá Trần Đông Hà (đội trưởng Đội 2 PC 52)
kể, trong lần truy bắt Trần Quốc Khánh, kẻ mang lệnh truy nã của tỉnh Sơn La về 2 tội Vận chuyển trái phép chất ma túy và Trộm cắp tài sản, nếu không kịp thời xoay chuyển tình hình thì các anh sẽ tuột mất cơ hội bắt hắn.Hôm đó, nhận được tin báo kẻ tình nghi đang hành nghề sơn nước, lẩn trốn tại khu vực xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh). Nhiệm vụ khi đó là phải xác minh được nhân thân tên Khánh thật nhanh chóng. Trong vai người cần sửa nhà, vị đội trưởng hẹn gặp anh ta ở gần cầu vượt quận 12. Tự nhiên trời bỗng mưa to, cuộc gặp mặt có nguy cơ bị trì hoãn đồng nghĩa với việc có khả năng mất dấu người này.
Vị thiếu tá nghĩ ra kế mời hắn đến "bàn công việc" tại một quán thịt cầy. Sau vài lượt chén chú chén anh, Khánh lộ ra quê quán và vài thông tin lý lịch trích ngang. Thế nên khi vừa ra đến cửa quán nhậu, anh ta đã bị chiếc còng sáng loáng bập vào tay. "Vẻ mặt của Khánh khi đó đầy thảng thốt", anh Hải kể.
Ngoài việc đấu trí, đấu sức, cảnh sát truy nã còn sử dụng biện pháp mềm mỏng hơn bằng những lần vận động tội phạm đầu thú. “Khuyên răn, giải thích với gia đình người bị truy nã về sự khoan hồng của pháp luật để họ tác động kẻ lẩn trốn hiểu và ra đầu thú cũng là một quá trình cần phải kiên trì”, trung tá Nguyễn Thành Công, cán bộ Đội 2 - người từng nhiều lần vận động thành công tội phạm ra đầu thú, nói.
Bằng biện pháp này, rất nhiều lần các anh chỉ cần mời gia đình người bị truy nã lên làm việc là vài ngày sau họ dắt con em đến đầu thú. "Bản thân người bị truy nã luôn phải chịu sự dằn vặt, lo sợ hành tung bị phát hiện. Trong tâm khảm họ chắc chắn từng nghĩ đến việc đầu thú để chấm dứt chuỗi ngày sống chui nhủi. Điều cốt lõi là mình làm cho họ hiểu ra được vấn đề để đối diện với sự thật, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật", trung tá Công cho biết thêm.
Các cảnh sát PC52 trong một lần lên phương án truy bắt tội phạm. Ảnh: Q.T |
Được thành lập hơn một năm, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP HCM đã bắt được 400 tên tội phạm, trong số đó có 50 kẻ mang lệnh truy nã đặc biệt. Ngoài việc tìm bắt những kẻ phạm tội bỏ trốn, đơn vị còn có nhiệm vụ truy tìm những thứ có liên quan đến vụ án như vật chứng hay nhân chứng…
Nói về công việc của đồng đội, thượng tá Trần Văn Tém, Trưởng Phòng PC52 cho biết thêm, không như các loại tội phạm khác, những kẻ mang lệnh truy nã thường che giấu thân phận rất kỹ lưỡng. Để truy tìm, lính PC52 chỉ có thể dựa vào những tình tiết còn đọng lại của vụ án, thậm chí họ phải bắt đầu từ con số không. Với những kẻ giết người trốn nã, việc truy bắt lại càng nguy hiểm hơn. Chúng thường thủ sẵn vũ khí, chống trả quyết liệt nhằm thoát thân vì bị bắt đồng nghĩa với việc lĩnh án tử hình.
>> Đại gia trốn truy nã bị bắt trong ngày cưới
>> Hành trình truy bắt đại ca giang hồ 5 vợ
Quốc Thắng