![]() |
Tôn Anh Dũng ân hận nói lời xin lỗi tướng Oánh trước vành móng ngựa. Ảnh: P.V |
Dũng nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Hãy cho tôi tạ lỗi với anh Oánh". Cả khán phòng lặng phắc. Dũng "Huế" (bị cáo buộc đưa hối lộ để chạy án 30.000 USD) trình bày, do mục đích cá nhân muốn lấy tiền của Bùi Tiến Dũng để chữa bệnh cho con nên đã cầm 30.000 USD. Ngừng lời để lau nước mắt, Dũng "Huế" tỏ ý ân hận vì hành động của mình liên lụy tới thiếu tướng Cao Ngọc Oánh - nguyên thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Tổng cục phó tổng cục Cảnh sát.
Như VnExpress đưa tin, sau khi Dũng "Huế" bị bắt vì hành vi nhận 30.000 USD chạy án của Bùi Tiến Dũng, tướng Cao Ngọc Oánh bị yêu cầu tường trình về mối quan hệ với nhân vật này. Cơ quan chức năng vào cuộc thẩm tra xác minh. Tháng 7/2006 ông Oánh bị truất quyền Thủ trưởng điều tra. Thời điểm đó, ông Oánh đang được cơ cấu vào vị trí ủy viên trung ương, và thứ trưởng Bộ Công an.
7 tháng sau ông chính thức được xác định không liên quan đến việc chạy án của Bùi Tiến Dũng. Hiện, ông trở lại cương vị tổng cục phó nhưng không phụ trách lực lượng cảnh sát mà chuyển sang tổng cục kỹ thuật.
Luật sư bất bình rời phiên tòa
Đầu giờ chiều, quan điểm tranh luận lại với đại diện VKS duy trì công tố tại phiên tòa của luật sư Nguyễn Hằng Nga và một số người nhiều lần bị thẩm phán chủ tọa ngắt lời, yêu cầu nói ngắn gọn, do không có nhiều thời gian. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải lập tức đứng lên phản đối: "Việc chủ tọa bảo mỗi luật sư "có 10 phút để đối đáp là vi phạm thủ tục tố tụng. Nếu như vậy chúng tôi đi về". Nói dứt lời, ông Hải thu dọn tài liệu trên bàn, xách cặp ra về, bỏ lại sau lưng câu nói thảng thốt "luật sư ở lại" của nữ chủ tọa.
Không khí phiên tòa trở nên căng thẳng, khán phòng ồn ào, an ninh được thắt chặt. Theo chân ông Hải, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Nguyễn Hằng Nga, Ngô Ngọc Thủy cùng rời khỏi bàn luật sư. Chủ tọa tuyên bố phiên xử tạm nghỉ.
Chừng 10 phút sau, HĐXX quay trở lại làm việc. Ông Thủy và bà Nga sau đó đã quay trở lại. Trên vị trí luật sư vẫn khuyết chỗ của ông Hải và Bách.
Luật sư yêu cầu VKS phải đối đáp
![]() |
Ông Tổng " PMU 18' đối diện với mức án 22 - 25 năm tù. Ảnh: P.V. |
Sau đó, phiên xử tiếp tục "nóng" lên trước sự phản ứng của các luật sư với phần đối đáp chóng vánh của 2 công tố viên trước những điều họ đã trình bày cả phiên làm việc buổi sáng. Đại diện VKS hầu như không đưa ra chứng cứ cụ thể phản bác phần gỡ tội của luật sư, chỉ trình bày nhưng điều có trong cáo trạng để rồi kết luận "có đủ căn cứ buộc tội".
Luật sư Thủy bất bình: "Việc VKS không đối đáp mà nêu "giữ nguyên quan điểm truy tố", tôi đã gặp nhiều. Nhưng nay đã có nghị quyết 08 về cải cách tư pháp, công tố viên phải tranh luận lại với luật sư để cho ra vấn đề". Còn luật sư Hà Đăng nói: "Chúng tôi cầu thị và mong muốn công tố viên giải thích, đối đáp về căn cứ buộc tội".
Tôn Anh Dũng là bị cáo đầu tiên giơ tay xin được tranh luận. Bị cáo Dũng cho rằng, không sử dụng số một xu trong số tiền 30.000 USD để tiếp cận, hay tác động tới ai, mà dùng để đưa con đi chữa bệnh. "Xin VKS cho biết tài liệu nào nói bị cáo dùng tiền đó đưa hối lộ?", bị cáo nói.
Tuy nhiên, câu hỏi này, cùng một số ý kiến tranh luận khác các bị cáo cùng nhiều luật sư nêu trong hơn một tiếng đối đáp lần 2 cũng chỉ được VKS đáp gọn lỏn rằng: "Những điều này đã nói rồi, giờ không nói nữa". Phòng xử đang im lặng bỗng trở nên ồn ào. Vài người đứng dậy bỏ ra ngoài.
Bị cáo Lương Mạnh Hoa ngồi im giữa hai cảnh sát bảo vệ bỗng đựng phắt dậy, giọng gay gắt: "VKS không nói gì sao gọi là trả lời". Trước đó, bị cáo này đã vặn ngược công tố viên: "Căn cứ vào đâu để nói bị cáo tiếp nhận ý chí chạy án của Bùi Tiến Dũng, để kết tội đưa hối lộ với vai trò đồng phạm? Nếu chỉ cầm và nhìn thấy phong bì 30.000 USD là có tội thì tôi xin khai thêm vài lần nữa đã nhìn thấy tiền của ông Dũng".
Bất chấp sự bất bình của bị cáo và các luật sư, HĐXX tuyên bố nghị án. Bản án dành cho 9 bị cáo dự kiến tuyên vào chiều 3/8 đã được lùi lại vào sáng thứ ba (7/8).
Ngay sau khi rời cổng tòa, luật sư Phạm Hồng Hải cho biết: "Tôi bỏ ra về là để phản ứng lại thái độ thiếu tế nhị và coi thường luật sư của HĐXX. Luật sư bị hạn chế thời gian nói, nói chưa xong đã bị ngắt lời giữa chừng như vậy là HĐXX vi phạm Điều 218, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc đối đáp. Theo tôi, TAND Hà Nội cần rút kinh nghiệm về việc này. Trước đây, các phiên tòa thường có định kiến là mất dân chủ trong phần tranh tụng giữa các bên. Nhưng từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách công tác tư pháp thì tình trạng "án bỏ túi" đã được cải thiện rõ rệt. Song, phiên tòa này lại thể hiện mất dân chủ rõ rệt. Chủ tọa phiên tòa vi phạm quy định hạn chế thời gian nói của luật sư, chúng tôi phải bỏ ra ngoài để phản ứng. Trao đổi với VnExpress, luật sư Nguyễn Hồng Bách bức xúc: "Yêu cầu luật sư nói trong 10 phút, là vi phạm thủ tục tố tụng. Quá trình xét hỏi những ngày qua, tôi đã thấy ức chế... Đây là lần đầu tiên, tôi tham gia và chứng kiến cảnh luật sư bỏ về giữa phiên tòa để tỏa thái độ bất bình". Sau phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Yến phân trần: "Chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Tại phiên tòa này, HĐXX luôn chú ý tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến bị lặp lại nhiều lần, không có nội dung gì mới, không liên quan đến vụ án. Từ đầu giờ tranh luận, HĐXX đã để cho các luật sư trình bày thoải mái. Ý kiến lần 2 của luật sư có nhiều vấn đề trùng với quan điểm tranh luận lần đầu nên HĐXX nhắc nhở để tránh lặp ý". |
Hoàng Khuê