Chiều 12/1, một tuần sau vụ nổ súng bắn trọng thương 6 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế đầm tôm ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền tái khẳng định việc giao và thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đúng quy định, chiểu theo Luật đất đai năm 1987. Theo ông Hiền thời điểm giao đất cho người dân (4/10/1993) là trước ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực (15/10/1993).
Dù các phóng viên liên tiếp đề nghị UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lý giải tại sao giao đất bổ sung cho người dân năm 1997, thời hạn vẫn chỉ là 14 năm, tính từ năm 1993, nhưng các lãnh đạo huyện và thành phố có mặt tại buổi họp không ai lên tiếng.
Sau vụ cưỡng chế, nhà ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá sập. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sáng 13/1, trao đổi với VnExpress.net, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, Luật đất đai năm 1993 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước vào thời điểm đó. Luật này quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này.
Vì vậy, theo ông Võ, nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định. Còn việc giao đất năm 1997 và đến năm 2007 quyết định thu hồi là sai. “Huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng không trả lời về việc này có nghĩa là họ đã sai”, ông Võ nhấn mạnh.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là hành vi thu hồi do hết hạn nhưng lại không căn cứ vào khoản 10, điều 38 Luật đất đai. Bởi khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi thì người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
“Chắc chắn là UBND Hải Phòng và Bộ Tài nguyên Môi trường phải đưa ra ý kiến. Nhiệm vụ của Bộ là quản lý nhà nước về đất đai nên chuyện tày đình thế này thì Bộ đương nhiên phải vào cuộc chứ không thể đứng ngoài”, GS Đặng Hùng Võ nói thêm.
Trước việc UBND huyện Tiên Lãng luôn khẳng định việc giao và thu hồi đất là đúng, GS Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng. Chuyện này quá đơn giản, nhưng trước hết UBND Hải Phòng phải có ý kiến đã. UBND huyện Tiên Lãng đã sai về thời hạn thì sẽ kéo theo những cái sai khác”.
Hiện Bộ Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng báo cáo ngay về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trước đó, ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trả lời Pháp luật TP HCM, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó chánh thanh tra Tổng cục quản lý đất đai cho biết, chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao… Theo ông Tỉnh, cần giao lại đất cho hộ gia đình ông Vươn và đảm bảo đúng theo hạn mức do pháp luật quy định. Số diện tích còn lại, địa phương cho gia đình ông Vươn thuê hết hoặc chỉ cho thuê một phần. Nếu chỉ cho thuê một phần thì phần còn lại địa phương thu hồi rồi có thể đưa ra đấu thầu. Phần đưa ra đấu thầu, gia đình ông Vươn cũng được tham gia đấu thầu bình đẳng như những hộ dân khác trong khu vực. |
Tiến Dũng