- Là người cầm trịch phiên xử vụ án được dư luận quan tâm suốt nhiều tháng qua, ông thấy có áp lực gì?
- Đây là vụ án giết người, cướp của đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, được dư luận cả nước quan tâm, theo dõi sát sao. Tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án để có phương hướng xét hỏi và điều khiển phiên tòa có được bản án đúng người, đúng tội.
Gia đình nạn nhân đã chịu mất mát quá lớn nên dễ hiểu họ sẽ có những phản ứng trong quá trình xét xử. TAND tỉnh Bắc Giang đã lên phương án bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm tránh tình trạng không hay có thể xảy ra. Việc ứng xử, điều hành phiên tòa này cần thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo nhưng không thể thiếu tính kiên quyết. Vì thế, cho đến bây giờ tôi không cảm thấy bị áp lực gì.
Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó chánh tòa hình sự, làm chủ tọa phiên xử Lê Văn Luyện. Ảnh: Hà Anh |
- Thưa thẩm phán, tại phiên xử gia đình bị hại cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi của họ đã trình bày, nêu chứng cứ về nghi vấn Luyện có đồng phạm. Tòa đã căn cứ vào đâu để bác điều này?
- Vấn đề Luyện có đồng phạm hay không phải trên cơ sở điều tra. Khi ra bản án, ngoài lời khai tại phiên xử, chúng tôi xét xử dựa vào những kết quả khám nghiệm hiện trường và nhiều chứng cứ khách quan khác.... Song tất cả kết quả thu thập đều cho thấy không có đồng phạm trong vụ án này. Vụ án đã quá rõ ràng nên TAND tỉnh Bắc Giang mới có kết luận không có đồng phạm.
Nếu mai kia có dấu hiệu mới thì phía cơ quan điều tra sẽ điều tra lại và chúng tôi sẽ tái xét xử vụ án.
* Clip gia đình nạn nhân phản đối mức án của Luyện |
- Gia đình bị hại không đồng ý với bản án 18 năm dành cho Lê Văn Luyện. Là chủ tọa phiên tòa, ông giải thích gì về việc ra bản án trên?
- Trong vụ án, Luyện gây ra cái chết thương tâm cho 3 nạn nhân và cháu Bích may mắn thoát chết là ngoài ý muốn của anh ta. Hành vi của Luyện đã phạm vào tội giết người dã man, có tính chất côn đồ..., khung hình phạt có thể lên tới tử hình. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam đã có quy định về bản án dành cho đối tượng chưa đủ tuổi thành niên là tổng cộng không quá 18 năm. Vì vậy, mức phạt với Luyện phải theo luật, chúng tôi không thể làm khác được.
- Từng tham gia xét xử nhiều vụ án giết người, ông thấy thái độ của Luyện trong hai ngày vừa qua như thế nào?
- Tôi cho rằng Luyện khai nhận thành khẩn hành vi phạm tội. Trước khi phiên xử diễn ra, tôi đã lo Luyện sẽ không khai, đó là quyền của bị cáo. Lúc đó, việc xét hỏi sẽ rất mất thời gian, sẽ phải công bố lời khai của Luyện trước đó tại cơ quan điều tra với hàng trăm bút lục.
Thực tế, đầu phần thẩm vấn, khi tôi yêu cầu: "Bị cáo khai lại hành vi phạm tội của mình”, Luyện đã dè dặt, tỏ vẻ bất hợp tác khi trả lời “đã khai hết tại cơ quan điều tra”. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng biện pháp tâm lý, HĐXX cũng đã buộc được anh ta phải khai rõ lại quá trình gây án.
- Người theo dõi phiên tòa nhận thấy Luyện không tỏ ra lo sợ, suy sụp như những trường hợp bị xét xử về tội giết người có khung hình phạt lên tới tử hình. Ông lý giải gì về điều này?
- Vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích là quá nghiêm trọng. Theo tôi, có thể qua nhiều “kênh” khác nhau, Luyện biết được không bị tử hình nên thái độ rất dửng dưng.
Việt Dũng – Hà Anh