Chiều 29/10, TAND TP HCM bất ngờ quay lại phần xét, không tuyên án vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường gần 42 tỷ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng, như thông báo trước đó.
HĐXX tập trung làm rõ các khoản thiệt hại của Vinasun và quan hệ nhân quả giữa thiệt hại này với hoạt động của Grab.
Đại diện Vinasun cho biết, kết quả giám định của Công ty Cửu Long thể hiện thiệt hại dựa vào các chi phí: khấu hao, cố định, kiểm định, đường bộ... Các xe nằm bãi, không hoạt động vẫn phải chịu những chi phí này.
Nguyên đơn cũng chỉ ra, từ ngày 30/6/2016, số lượng taxi của Grab và Uber là hơn 23.000 xe (chiếm 71% taxi hoạt động tại TP HCM). "Sự phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường, tăng đầu xe và doanh thu của Grab đã ảnh hưởng rất lớn đến Vinasun và khiến các nhà đầu tư lo ngại", nguyên đơn nêu quan điểm.
Vinasun cho biết giá trị vốn hóa thị trường và giá trị sổ sách của doanh nghiệp có quan hệ rất mật thiết, được xác định bằng số tiền bỏ ra mua toàn bộ doanh nghiệp. Theo đó, giá trị sổ sách của Vinasun bị tuột giảm nghiêm trọng vì Grab, làm ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu cũng như các giá trị khác của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng thiệt hại của Vinasun có thể đến từ những nguyên nhân khác như: nhu cầu của khách hàng, các đối thủ trên thị trường... "Kết quả giám định của Công ty Cửu Long có đến hơn 5.000 trang, đại diện công ty này lại vắng mặt nên rất khó cho tòa", chủ tọa nhận định.
Về phần mình, Grab giữ nguyên quan điểm cho rằng, báo cáo giám định của Công ty Cửu Long có nhiều sai sót và không nhất quán; số liệu, phương pháp tính thiệt hại chưa chính xác, không chứng minh được hoạt động của Grab đã gây ra thiệt hại cho Vinasun. Từ đó, bị đơn tiếp tục đề nghị giám định lại để đảm bảo tính khách quan cho vụ kiện.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng cần thời gian xác minh, thu thập bổ sung các chứng từ liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun. Vì vậy, tòa tạm dừng phiên xử, sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 22/11.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab vì cho rằng đơn vị này đã lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Theo nguyên đơn, hoạt động vi phạm của Grab khiến Vinasun thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Từ đầu năm đến nay, TAND TP HCM nhiều lần mở phiên xử nhưng tạm hoãn để đương sự cung cấp thêm chứng cứ cũng như chờ các kết quả liên quan từ Sở GTVT, Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM và Bộ GTVT...
Giữ nguyên quan điểm tại phiên xử lần này, Vinasun nói rằng, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ nhưng trong quá trình hoạt động hãng taxi công nghệ đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm... Nguyên đơn chỉ ra việc Grab tăng số lượng xe đột ngột đã gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cũng như bùng nổ hợp tác xã. Grab có 170.000 lái xe nhưng lại không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội cho họ cũng như các tài xế không được hưởng các quyền lợi khác...
Tuy nhiên, Grab khẳng định là công ty cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra và được điều chỉnh dựa vào thời tiết, nhu cầu thị trường...
Bác bỏ cáo buộc gây thiệt hại gần 42 tỷ đồng cho Vinasun, Grab cho rằng các chứng thư của Công ty Cửu Long có nhiều bất cập. Cụ thể, bị đơn chỉ ra 3 lỗi từ phía công ty giám định: phương pháp tính thiệt hại không đúng khi dựa vào sự thay đổi sụt giảm trong vốn hóa thị trường của công ty; chênh lệch số liệu xe nằm bãi của bên giám định và Vinasun; xe VCar không có hình thức hợp đồng đã vi phạm nghiêm trọng Đề án 24.
Kỳ Hoa