Chiều 28/2, phiên xử ông Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bước sang phần xét hỏi.
Là người đầu tiên bị thẩm vấn, ông Đoàn Đăng Luật (cựu Trưởng phòng nguồn vốn Navibank) nói bị oan. Cáo trạng quy kết ông là cầu nối trong việc mang tiền của ngân hàng sang Vietinbank gửi với lãi suất cao là không đúng.
Về lãi suất, ông Luật cho rằng không đề xuất và thỏa thuận với Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) mà chỉ nhận thông tin từ Tuấn. Bị cáo sau đó gọi điện thoại trao đổi với nhân viên phòng tín dụng, lãnh đạo phòng này đồng ý nên báo lại cho Vietinbank.
"Võ Anh Tuấn điện thoại cho bị cáo, nói là đại diện Vietinbank chi nhánh Nhà Bè có nhu cầu huy động vốn của các cá nhân, tổ chức. Bị cáo tiếp nhận, báo cáo cho Hội đồng quản lý tài sản – nợ (Alco), gồm lãnh đạo cũng như các trưởng phòng. Còn cụ thể gồm những người nào thì bị cáo không nhớ", ông Luật khai.
Việc nhận tiền lãi suất ngoài, ông Luật khai do Tố Quyên (người giúp việc của Huyền Như) mang qua hội sở. Khi đó bà này mặc đồ màu xanh, đeo bảng tên Vietinbank. Nhận tiền từ Quyên xong, ông nộp lại ngân quỹ của ngân hàng mà trực tiếp là Hội đồng Alco.
"Tiền lãi suất ngoài đã nhận là bao nhiêu tôi không nhớ rõ. Khi cơ quan điều tra vào cuộc thì bị cáo mới biết", ông này nói.
Nguyên Trưởng phòng nguồn vốn của Navibank cũng khẳng định, không chỉ riêng bản thân mình mà tất cả các bị cáo không ai được hưởng lợi.
"Thời điểm đó ngân hàng đang gặp khó khăn, tất cả nhân viên làm việc chỉ với mong muốn vì ngân hàng. Kết quả điều tra nói bị cáo bị Huyền Như dẫn dụ khiến bị cáo thấy rất oan ức. Từ trước đến giờ bị cáo chỉ liên lạc với Võ Anh Tuấn. Trong điện thoại của bị cáo chưa từng nhận cuộc gọi, hay làm việc gì với Huyền Như", ông Luật cho biết.
HĐXX truy vấn về bản chất các hợp đồng Navibank cho nhân viên vay tiền, sau đó mang sang Vietinbank gửi có phải là hợp đồng tín dụng không? Bị cáo Luật tỏ ra lúng túng khiến chủ toạ phải nhiều lần đặt câu hỏi.
"Nếu tòa không cho bị cáo giải thích bị cáo rất khó trả lời. Một nhân viên của ngân hàng không thể biết hết các nghiệp vụ. Bị cáo chỉ nắm về vấn đề thị trường, doanh nghiệp, còn nghiệp vụ cho vay không rõ", ông Luật trả lời và cho biết "bị cáo học ở nước ngoài nên có nhiều hạn chế về luật pháp của Việt Nam".
Được gọi thẩm vấn cuối buổi làm việc, Võ Anh Tuấn cho biết, ban đầu liên hệ với Luật nhưng sau nhiều lần đến gửi tiền thì người này chủ động liên hệ lại. Theo Tuấn, Luật là người đưa ra yêu cầu về mức lãi suất.
Được đối chất, bị cáo Luật khẳng định: "Lời khai của Tuấn không đúng sự thật. Vietinbank đứng ra chào mời lãi suất chứ một cá nhân khách hàng nhỏ không có quyền đề xuất. Đó là quy luật của việc gửi tiền", ông này nói.
Tương tự, cựu Tổng giám đốc Lê Quang Trí cũng cho là bị oan. Ông thừa nhận quá trình điều hành ngân hàng có thiếu sót, nhưng không cố ý làm trái quy định nhà nước. Khi cho nhân viên vay tiền thì thông qua các hợp đồng tiền gửi. Luật tín dụng không cấm việc cá nhân vay tiền ngân hàng đi gửi ngân hàng khác.
Chủ toạ hỏi: "Có khi nào khách hàng vay tiêu dùng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng không?". Ông Trí đáp: "Luật cũng không cấm hay có hạn mức trong việc cho vay tiêu dùng. Các hợp đồng vay được đảm bảo bằng chính các sổ tiết kiệm tiền gửi tại vietinbank".
Chủ tọa dẫn chứng, lãi suất tiền gửi tại Vietinbank ghi trên hợp đồng là 14%, cộng thêm lãi suất ngoài là 22,5%; nhưng tiền lãi cho nhân viên vay cũng là 22,5%... "Lãi suất tiền gửi bằng lãi suất đi vay, vậy vay để làm gì? Bản chất ở đây là, các nhân viên vay tiền của Navibank gửi Vietinbank, sau đó mang lãi về cho Navibank", chủ tọa nói.
Ông Trí im lặng.
Theo cáo buộc, từ năm 2010 đến 2011, ông Trí đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tín dụng, thống nhất chủ trương lách luật, cấp tín dụng tổng cộng 1.543 tỷ đồng cho nhân viên đứng tên hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank với lãi suất lên đến 22,5% một năm.
Do cần tiền trả nợ vì làm ăn thua lỗ, Như đã làm giả các chứng từ hồ sơ, chữ ký chiếm đoạt tiền của Navibank. Đến thời điểm tất toán hợp đồng, Như còn nợ Navibank 200 tỷ đồng.
Năm 2015, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Huyền Như án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tòa cũng tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại nhằm làm rõ hành vi Tham ô tài sản của Như và vai trò của Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty liên quan. Trước Tết, Huyền Như đã bị TAND TP HCM đưa ra xét xử giai đoạn hai và tuyên phạt mức án chung thân, Võ Anh Tuấn nhận 7 năm tù. Quá trình điều tra lại, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (hiện là Ngân hàng TMCP Nam Việt). |
Hải Duyên