![]() |
Bộ trưởng Giá quyết bảo vệ quan điểm. |
Trong văn bản ký ngày 26/2, Bộ trưởng Giá 2 lần khẳng định các ông Bùi Tường Lân, Nguyễn Quang Lĩnh (Văn phòng Thẩm định của Bộ) đã “làm đủ, làm đúng, làm hết trách nhiệm” trong việc giúp Bộ trưởng tổ chức thẩm định dự án Thủy cung Thăng Long. Ông Giá khẳng định tờ trình 498 do ông ký, đề nghị Chính phủ phê duyệt dự án là “hoàn toàn đúng đắn và chính xác”, và “Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, chứ không phải là Văn phòng Thẩm định, càng không phải là trách nhiệm cá nhân của ông Lân và ông Lĩnh”.
Văn thư Bộ KH&ĐT khẳng định đã gửi Chính phủ đầy đủ bản sao ý kiến của 8 bộ ngành về dự án Thủy cung. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại nhận định là do “thiếu thông tin chính xác về việc thẩm định dự án” nên Chính phủ đã ra Quyết định 105 phê duyệt dự án khả thi. Về vấn đề này, ý kiến của Bộ trưởng Trần Xuân Giá là: “Giả định rằng chưa đủ hồ sơ, thiếu thông tin chính xác mà cứ ra quyết định thì người ký phải tự chịu trách nhiệm, không thể buộc lỗi cho người không có quyền ký quyết định nói trên được”.
Qua sự không đồng tình nói trên với bản án sơ thẩm, Bộ trưởng Giá đề nghị tòa phúc thẩm giải tội cho ông Lân và Lĩnh. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Lân mức cảnh cáo, bị cáo Lĩnh 6 tháng tù.
![]() |
Các luật sư: "Liệu HĐXX có tôn trọng phần bào chữa?". |
Bị cáo Ngô Chí Thiên, nguyên phó văn phòng UBND Hà Nội (chịu án sơ thẩm 9 tháng tù), cũng được cựu chủ tịch thành phố, ông Đinh Hạnh gửi lời chứng bảo vệ. Văn bản do ông Hạnh ký ngày 25/2, công bố tại tòa hôm nay, xác nhận ông Thiên đã làm đúng thủ tục, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của thành phố..., làm hết trách nhiệm trong những việc liên quan đến dự án Thủy cung Thăng Long, theo phân công của Văn phòng UBND Hà Nội. Về việc hướng dẫn chủ đầu tư lập tờ trình dự án lên trung ương xem xét, ông Hạnh khẳng định: “Là trách nhiệm của UBND Hà Nội, trong đó có trách nhiệm của cá nhân tôi”.
Chánh văn phòng UBND Hà Nội, Hoàng Kim Trung, cũng nêu ý kiến của Ủy ban, đề nghị HĐXX xem xét diễn biến việc lập, triển khai dự án Thủy cung Thăng Long trong hoàn cảnh lịch sử. Vào thời điểm đó, các cấp ngành, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất cao về việc cần sớm có khu vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố. Liên tục các nghị quyết của HĐND, chỉ thị của Thành ủy thúc các cơ quan chức năng tạo điều kiện để sớm có dự án, trình Chính phủ phê duyệt. Các bị cáo là cán bộ Sở KH&ĐT, Sở Du lịch, đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh đó.
Ông Trung cho biết, ông Đinh Hạnh, tại nhiều phiên họp kiểm điểm về trách nhiệm trong việc Thủy cung bị đổ bể, đã khẳng định: “Mình ký văn bản thì mình chịu trách nhiệm”. Chính ông Hạnh từng tâm sự với giới báo chí về việc không tham dự phiên sơ thẩm: "Tôi có đến hay không cũng thế thôi, bởi những gì tôi nói bây giờ đều đã được khẳng định từ khi vụ án bắt đầu được điều tra. Nhưng nó đã bị coi là không có giá trị".
Trước các ý kiến trên, quan điểm của vị đại diện VKSND Tối cao, vẫn không hề thay đổi: bảo vệ quan điểm buộc tội, giữ nguyên mức án sơ thẩm với các bị cáo.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Tân Cương, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ công bố trước tòa những tài liệu, chưa từng được tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm công khai. Đó là Báo cáo số 362 ngày 11/2/1999 của UBND Hà Nội, do Chủ tịch thành phố Hoàng Văn Nghiên ký, gửi Bộ Chính trị, Thủ tướng, thừa nhận lỗi của lãnh đạo thành phố khi trình dự án lên Chính phủ. Theo đó, “khi lập và trình dự án Thủy cung Thăng Long, đã có sơ suất nêu cả phần diện tích khu D (9.362 m2) vào dự án, là khu để xây dựng nhà nghỉ” (bút lục 2229).
Còn tại bút lục 2231, ông Đinh Hạnh giải trình: “Tôi đã đồng tình với các đồng chí lãnh đạo thành phố, điều chỉnh lại có khác vài chi tiết, trình Thủ tướng ký cho thuê đất”.
Lúc đó, UBND Hà Nội có chủ trương lấy khu D, phần đẹp nhất trong dự án, ra đấu thầu thu tiền. Việc này, theo ý kiến của Hội đồng tư vấn kiến trúc sư, là sai trái. Vì vậy, đã có dư luận là quan chức thành phố lợi dụng dự án để bán đất. Lê Tân Cương nghĩ rằng mình có thể thắng thầu, nên đã tham gia, để rồi bị khởi tố, bắt giam oan về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Việc này đẩy dự án vào chỗ bế tắc. Tiếp đó, khi VKSND Tối cao đình chỉ khởi tố tội này, Cảnh sát Điều tra đã buộc thêm tội lừa đảo, dù không ai có đơn kiện.
Theo luật sư Tỵ, những tài liệu nhạy cảm trên, có giá trị gỡ tội cho Lê Tân Cương và các bị cáo khác, đã không được tòa cân nhắc. Cấp sơ thẩm chỉ khai thác thiếu công bằng phần tài liệu bị cắt xén của Cơ quan Điều tra, cố kết buộc tội các bị cáo.
Ngày mai, tòa tiếp tục phần tranh luận, bào chữa. Theo phán đoán của những người tham dự phiên tòa, phải mất 3 ngày xét xử, HĐXX mới có thể tuyên án.
Nghĩa Nhân
Ảnh: Xuân Thu
Theo dòng sự kiện:
Phúc thẩm Thủy cung Thăng Long: Lại thiếu nhân chứng (28/2)
Ngày 27/2, xử phúc thẩm vụ Thủy cung Thăng Long (23/2)
'Bản án Thủy cung sẽ gây tác hại đến môi trường đầu tư' (15/9)
'Thủy cung Thăng Long không gây hậu quả vật chất' (14/9)
Thủy cung Thăng Long đổ vỡ là do cơ chế? (14/9)
Các bị cáo Thủy cung Thăng Long đều phủ nhận trách nhiệm (12/9)
Thủy cung Thăng Long: Cả 4 quan chức liên quan vắng mặt (11/9)
Hôm nay xét xử vụ “Thủy cung Thăng Long” (10/9)
‘Trường ca Thủy cung Thăng Long’ của bị cáo Lê Tân Cương (9/8)
Thủy cung Thăng Long: Lê Tân Cương khai hối lộ hơn 40 người (20/7)
Trả hồ sơ vụ án thủy cung Thăng Long để điều tra bổ sung (5/6)