Mới đây, bà Nguyễn Thị Hiền, con gái cả của nhà văn Kim Lân gửi đơn đến các cơ quan chức năng trình bày việc bị người giúp việc ăn trộm nhiều bức tranh sơn mài và những cổ vật quý. Sự việc khiến nhiều người quan tâm bởi đây không chỉ là những tài sản giá trị lớn bị mất trộm mà còn là việc quản lý người giúp việc trong gia đình.
Trước đó, cũng rất nhiều vụ mất trộm tài sản do giúp việc gây ra. Chiều 4/10, chị Nguyễn Phương Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dẫn Lê Thị Thảo (30 tuổi, ở Nghệ An) đến công an phường Phố Huế tố cáo Thảo lấy trộm tài sản của gia đình. Trước đó một tuần, chị thuê Thảo thông qua một trung tâm môi giới nhưng chỉ làm việc được một ngày Thảo đã bỏ đi. Kiểm tra tài sản, chị Phương Anh phát hiện bị mất chiếc ví bên trong có 7,5 triệu đồng.
Các gia đình nên cẩn thận với các trung tâm môi giới việc làm. |
Sau khi truy tìm, chị phát hiện Thảo tại một trung tâm môi giới việc làm ở phố Khâm Thiên nên đã đưa đến công an. Sau khi biết tin Thảo bị bắt, một nạn nhân khác của nữ ôsin cũng tố cáo hành vi của Thảo khi cô này làm việc được 10 ngày rồi trộm 2 chiếc điện thoại và 3,2 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Thảo khai, chuẩn bị sẵn nhiều bộ hồ sơ xin việc để nộp vào các trung tâm môi giới, lợi dụng nhu cầu thuê giúp việc để trộm cắp. Mỗi gia đình, Thảo chỉ ở hôm trước, đến hôm sau là ra tay. Nhà nào lâu nhất Thảo cũng chỉ ở không quá 10 ngày, cho đến khi tăm tia được sự sơ hở của chủ hộ. Trước đó, Thảo từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản.
Tương tự, chị Trang (32 tuổi, Cầu Giấy) nhận được điện thoại của người giúp việc Nguyễn Thị Soa (36 tuổi, Nghệ An) xin về quê gấp vì con ốm. Linh cảm thấy điều chẳng lành, chị Trang từ cơ quan về nhà, kiểm tra đồ đạc phát hiện mất 2 chỉ vàng trong tủ nên đã cùng chồng ra bến xe Mỹ Đình tìm gặp Soa.
Thấy người giúp việc đang ngồi chờ xe, chị Trang hỏi về việc sao tủ để trang sức bị mở, nữ giúp việc lớn tiếng cãi lại, thách thức lục soát, nếu không tìm được 2 chỉ vàng phải trả lại sự trong sáng cho chị ta. Không còn cách nào khác chị Trang đã đưa nữ giúp việc về Công an phường Dịch Vọng. Hành vi trộm cắp của Soa bị lật tẩy khi công an phát hiện cô ta giấu vàng ở đằng sau búi tóc.
Tuy nhiên, điều khiến chị Trang bất ngờ nhất, Soa làm giúp việc khi đang trong thời gian thụ án 15 tháng tù treo do TAND huyện Diễn Châu xử vì tội trộm cắp. Chỉ 2 tháng sau khi bị tòa tuyên án Soa đã xin đi làm ôsin để tìm cơ hội phạm tội.
Chưa từng dính líu tới pháp luật nhưng rất nhiều người giúp việc trộm cắp vì không thể “cầm lòng” với tài sản lớn của gia chủ. Vụ trộm cắp ngày 2/11 tại ngôi biệt thự ở phường 22 (Bình Thạnh, TP HCM) là một trong những trường hợp như vậy.
Một người giúp việc được chủ nhà thuê thông qua trung tâm môi giới việc làm, sau khi làm việc được 2 tháng đã gây ra vụ trộm với tổng trị giá tài sản lên tới hơn 6 tỷ đồng. Số tài sản bị mất gồm 600 USD, 100 triệu đồng tiền mặt cùng bộ nữ trang (2 đôi hoa tai gắn hột xoàn, một sợi dây chuyền gắn mặt đá quý, lắc tay, nhẫn vàng) trị giá 300.000 USD. Thủ phạm chỉ bị phát hiện khi chủ nhà xem lại hệ thống camera giám sát trong nhà.
Sau khi bị bắt, nguyên nhân phạm tội được ôsin này lý giải do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấy gia chủ giàu có nên muốn mượn tạm một ít đồ để... cưới chồng.
Nữ giúp việc và tang vật trộm cắp của một vụ án. |
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội), một trong những lý do chính biến người giúp việc trở thành kẻ trộm xuất phát từ phía chủ nhà. Nhiều gia chủ coi giúp việc như người trong nhà, mang lại tâm lý thoải mái nhưng sẽ khiến người giúp việc nảy lòng tham ngoài ý muốn. Nhiều gia đình khi thuê giúp việc chỉ quan tâm họ có làm được việc hay không mà quên mất mình đang giao những thứ quý giá nhất (nhà cửa, con cái…) cho người hoàn toàn xa lạ, và nhiều hậu quả như trên là điều không quá khó hiểu.
Thêm vào đó, hiện nay giúp việc chưa phải là một nghề được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đa phần người giúp việc đều xuất thân ở nông thôn khi tiếp xúc với cuộc sống đầy đủ, hiện đại, chủ nhà lơ là, mất cảnh giác là người giúp việc rất dễ nảy sinh lòng tham.
Những vụ án do người giúp việc gây ra như trên thường gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan công an, nguyên nhân là bởi chủ nhà thường biết rất ít thông tin về người giúp việc của mình. Không ít các gia đình thường phó mặc niềm tin vào các trung tâm giới thiệu mà quên mất việc “thẩm định” lại lý lịch của người giúp việc.
Thượng tá Trần Văn Quảng (Bộ Công an) cho rằng, các trung tâm giới thiệu việc làm thường không có đầy đủ giấy tờ, không xác minh được lý lịch của người lao động cần việc nhưng “ăn” phí giới thiệu của cả 2 bên. Sau đó, trung tâm chỉ viết giấy giới thiệu có ghi địa chỉ gia đình cần thuê để người giúp việc tự tìm đến và coi như hết trách nhiệm. Chủ nhà không xác minh, vô tư giao con, giao nhà cho người lạ. Đây là sơ hở lớn của các trung tâm giúp việc cũng như chủ nhà, tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng thực hiện âm mưu.
Theo ông, khi thuê người giúp việc, các gia đình nên yêu cầu người tìm việc có sơ yếu lý lịch đầy đủ, qua đó tìm hiểu, xem xét lai lịch, hoàn cảnh gia đình, công việc người giúp việc trước kia ra sao. Chủ nhà nên giữ giấy tờ tùy thân, soạn hợp đồng ký kết. Sau đó, ra công an phường đăng ký tạm trú cho người giúp việc.
Đối với các cơ quan chức năng, cần thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giới thiệu việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm cũng như xóa các trung tâm không có giấy phép. Một điều quan trọng là gia chủ không được chủ quan giao toàn bộ công việc cũng như nhà cửa cho người giúp việc trông nom, như vậy sẽ tạo điều kiện cho họ dễ dàng phạm tội.
Theo An ninh Thủ đô