Mở đầu phiên tòa sáng nay, Hội đồng xét xử bắt đầu với phần thẩm vấn Lê Quả (70 tuổi, nguyên phó Ban quản lý) về việc ký hợp đồng cho CPI thuê trụ sở của Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây (gọi tắt là PMU Đông Tây, số 3 đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP HCM).
Bị cáo Lê Quả khai rằng, trụ sở trên được UBND TP HCM ra quyết định giao cho PMU Đông Tây, kinh phí thuê được nhà nước chi khoảng gần 2 triệu đồng một tháng. Tháng 8/2001, ông Sakashita (đại diện PCI) đặt vấn đề thuê lại trụ sở để làm việc. Ông Quả thấy cơ sở rộng rãi mà đời sống của các nhân viên trong cơ quan còn thấp, cũng muốn cải thiện cho anh em nên đã báo cáo việc này với ông Huỳnh Ngọc Sĩ và Ban giám đốc trong các cuộc họp giao ban, chi bộ.
"Tôi chỉ là phó, giúp việc cho giám đốc, không có thẩm quyền quyết định nên báo cáo việc này với anh Sĩ. Nếu giám đốc đồng ý thì làm, không đồng ý thì sao tôi thực hiện", ông Quả đặt vấn đề.
Cũng theo bị cáo này, sau khi được sự chấp thuận của ông Sĩ, đã tiến hành kí hợp đồng với CPI với giá 2.500 USD một tháng. Tuy nhiên, thấy giá này quá rẻ, ông Quả đã yêu cầu tăng và phía CPI đồng ý trả từ 3.000 đến 5.000 USD, giao trực tiếp cho ông Quả kí nhận hàng tháng.
Vị phó này không nhớ tổng cộng đã nhận bao nhiêu tiền từ phía CPI vì có tháng họ đưa 3.000 USD, có tháng đưa 5.000 USD. Số tiền này ông Quả đã giao lại cho nhân viên hành chính lập danh sách chia đều cho mọi người. Tại cơ quan điều tra, căn cứ vào hồ sơ, ông này mới biết số tiền đã nhận khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó giao cho cơ quan hơn 800 triệu đồng, còn hơn 300 triệu đồng giữ lại dùng làm chi phí chung cho toàn bộ Ban dự án như tiếp khách, tu sửa...
![]() |
Hai cựu lãnh đạo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đổ tội cho nhau. Ảnh: Vũ Mai |
HĐXX vặn: "Bị cáo nghĩ sao khi nhà nước phải bỏ tiền ra thuê trụ sở cho PMU Đông Tây làm việc, nhưng tự ý cho người khác thuê lại, lấy tiền sử dụng riêng?", ông Lê Quả thừa nhận đó là sai phạm. Tuy nhiên, bị cáo này một mực cho rằng mình đã được phép của "sếp" và chỉ vì muốn nhân viên trong Ban dự án có cuộc sống tốt hơn mà vẫn không ảnh hưởng đến môi trường làm việc.
Ngược lại, ông Huỳnh Ngọc Sĩ khẳng định mình hoàn toàn không chỉ đạo cấp dưới kí hợp đồng cho thuê. Chỉ đến khi phát hiện "người của CPI" trong trụ sở, ông Sĩ có yêu cầu ông Quả phải chấm dứt việc cho thuê này nhưng ông Quả nói không ảnh hưởng gì nên đã bỏ qua. "Tôi đã thiếu kiên quyết nên mới xảy ra hậu quả ngày hôm nay", ông Sĩ nói.
Không chấp nhận lời khai này, vị chủ tọa nhận định, với vai trò là người đứng đầu Ban dự án, làm chủ về mặt pháp lý, nếu ông Sĩ không đồng ý thì không ai có thể làm việc được ở đây.
Đến lúc này ông Sĩ vẫn khăng khăng là mình chỉ "thiếu kiên quyết". Ngay cả khi nhiều lần ký nhận tiền, ông Sĩ giải thích là sơ suất, nhân viên trình thì ký, đưa tiền thì nhận nhưng không biết nguồn tiền đó là từ việc cho thuê trụ sở.
"Một người thủ trưởng cơ quan ngày xưa nói gì cũng rạch ròi, giờ trả lời thế là không thể chấp nhận. Chính bị cáo cho rằng cơ quan không có phúc lợi nhưng khi được đưa tiền lại không thắc mắc, không biết tiền từ đâu trong khi các nhân viên khác đều biết?", vị chủ tọa chất vấn. Bị cáo Sĩ cúi đầu im lặng.
Chiều nay phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.
Vũ Mai