Với tội Giết người, VKS đề nghị phạt ông Vươn 5-6 năm tù, ông Quý từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm; ông Sịnh từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm; Vệ từ 1 năm 8 tháng đến 2 năm 6 tháng tù treo. Ở tội Chống người thi hành công vụ, VKS đề nghị phạt án tù treo với bị cáo Báu và Thương, từ một năm 3 tháng đến 2 năm. |
HĐXX phạt ông Vươn 5 năm tù về tội Giết người. Cùng tội danh, bị cáo Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn) lĩnh án 5 năm̀. Anh trai ông Vươn là Đoàn Văn Sịnh bị phạt 3 năm 6 tháng tù. Đào Văn Vệ bị tăng nặng mức án, lĩnh 2 năm tù.
Trừ đi những ngày bị tạm giam, thời gian ngồi tù của ông Vươn và ông Quý còn gần 3 năm 9 tháng; ông Sịnh là 2 năm 3 tháng. Người được tha tù sớm nhất là bị cáo Vệ khi thời hạn chấp hành án phạt còn 9 tháng.
Mức án tù treo được tòa áp dụng với bị cáo Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương về tội Chống người thi hành công vụ. Bà Báu bị phạt 18 tháng tù, thử thách 36 tháng. Bà Thương bị phạt 15 tháng, thử thách 30 tháng.
Bị cáo Vươn và anh trai Sịnh tại phiên xử. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh |
Chủ tọa Phạm Đức Tuyên cho biết, tại tòa bị cáo Vươn thừa nhận đã mua súng, chỉ đạo em trai làm mìn tự tạo và bàn với các thành viên gia đình kế hoạch chống đoàn cưỡng chế.
Theo quan điểm của cơ quan xét xử, thời điểm tổ công tác bắt đầu tiến vào khu vực nhà ông Vươn, chưa có hành vi đe dọa vũ lực nhưng ông Quý và mọi người đã nổ súng. Do vậy, hành vi của các bị cáo không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng như lập luận bào chữa của các luật sư.Qua vụ án này, TAND Hải Phòng cho rằng trình độ năng lực quản lý đất đai của một số cán bộ địa phương còn hạn chế dẫn đến việc thu hồi đất có sai trái. Tòa sơ thẩm coi đây là tình tiết giảm nhẹ chung cho các bị cáo.
Vật chứng là bình gas, súng hoa cải được mang tới phiên xử. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh |
Năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm. Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn được cho là đã lấn chiếm hơn 19ha.
Tháng 4/2009, UBND huyện ra quyết định thu hồi hơn 19ha với ý do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Vươn khởi kiện ra tòa song bị bác đơn. Chính quyền huyện ra quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.
Nhận thông báo của chính quyền, ông Vươn nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình bàn quyết tâm giữ đầm. Kế hoạch làm hàng rào ngăn các lối đi xuống đầm, gài mìn tự tạo chôn trên đường vào, dùng súng hoa cải bắn lực lượng cưỡng chế... được đặt ra. Vợ ông Vươn và Quý là bà Thương, Báu được cho là có mặt trong các "cuộc họp" này.
Sáng 5/1/2012, khi đoàn cưỡng chế đi vào đầm đã bị ông Quý cùng Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái (đang bỏ trốn) bắn súng làm 7 công an, quân nhân bị thương. Người nặng nhất mang trên người 23 vết đạn.
Ngày 10/1/2012, bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ bị bắt giam.
Trong vụ phá dỡ nhà của ông Vươn, Quý vào chiều 5/1/2012, ngày 8-10/4, TAND Hải Phòng sẽ mở phiên xử 5 cựu quan chức của huyện Tiên Lãng với cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Hủy hoại tài sản. Các bị can gồm: ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch UBND huyện), Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch), Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, Phó ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang, thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế), Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang). |
Nhóm phóng viên