![]() |
Kim Anh những ngày còn là sinh viên. Ảnh: Pháp luật Xã hội. |
Một ngày cuối tháng 5, trong bộ quần áo phạm nhân, Vũ Thị Kim Anh kể, từ khi vào trại giam, đã bao đêm, cô thức trắng và mơ đến phép lạ được trở lại dù chỉ 30 giây trước thời điểm cầm dao cứa cổ nạn nhân Nguyễn Tiến Chính.
Đến giờ, Kim Anh vẫn không hiểu được thứ tình cảm giữa cô với nạn nhân. Tuổi thơ là quãng thời gian đẹp, nhưng đến khi 19 tuổi, cô cảm thấy trong tâm hồn có một điều gì đó bất ổn và tìm đến những người bạn trong thế giới ảo. Anh Chính là một trong số đó.
Nữ sinh người Cao Bằng này thú nhận, khi trong tâm hồn có những khoảng trống rỗng mơ hồ thì những tin nhắn và những cuộc nói chuyện của anh Chính đã san bớt phần nào đó. Cô được chia sẻ, nghe những lời nói dịu dàng và chiều chuộng. Một thời gian sau, họ gặp nhau uống cà phê và ăn trưa.
Kim Anh bảo, thị xã Cao Bằng nhỏ bé nên những người có tên tuổi như Nguyễn Tiến Chính được rất nhiều người biết đến. Chuyến đi xa nhất anh Chính lái chiếc xe Lexus định mệnh đưa cô đến là vùng hồ Đại Lải. Ở đó, hai người chỉ uống cà phê rồi trở về.
Cô bảo, anh Chính chưa bao giờ tặng quà bởi có yêu nhau đâu mà người ta tặng quà. Lau nước mắt bằng bàn tay xanh và trắng, Kim Anh lắc đầu tuyệt vọng rồi nói, đời cô đã kết thúc.
Trong trại giam, Kim Anh ở chung phòng giam với một người phụ nữ. Hai người chỉ biết động viên nhau hãy tin vào tương lai mặc dù mỗi người đều có nỗi tuyệt vọng. Kim Anh nói, vẫn thường hát cho người phụ nữ kia nghe bài Mẹ yêu và Hãy về với anh. Mỗi lần hát cô lại khóc.
![]() |
Những giọt nước mắt của Kim Anh khi gặp mẹ. Ảnh: An ninh Thủ đô. |
Khi Kim Anh gây án là lúc cô đang có người yêu. Từ khi bước vào trại cô chưa được gặp người ấy. Mọi chuyện đã đổi thay và cô thấy không còn xứng đáng nữa.
Là người mê nhạc Trịnh. Có một bài hát của Trịnh Công Sơn trước kia không thích nhưng giờ cô lại thường hát thầm trong bóng tối: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi…”. Nói đến đây cô lại khóc.
Ngày ngày, giờ đây trong trại giam, cô vẫn viết nhật ký, ghi lại những ngày tháng ở trại. Kim Anh nói không có khiếu viết văn nhưng có ý sẽ xuất bản một cuốn sách sau khi trở thành công dân trong tương lai.
Cô gái ngoài hai mươi tuổi cho biết, sau khi ra tù sẽ trở về Hà Nội bởi cuộc sống của Cao Bằng chậm và khá buồn tẻ. Cô muốn được sống ở một nơi sôi động và có nhiều cơ hội dù biết ở đó có khá nhiều cạm bẫy.
Đang chuyện trò, Kim Anh chợt nghe dàn đồng ca của những chú ve. Ngước mắt lên vòm cây, hai hàng nước mắt cô nữ sinh chảy dài. Cô nói nhiều đêm nghe tiếng ve đã khóc vì nhớ trường, nhớ thầy cô và bạn bè cùng lớp. Cô vẫn còn mắc nợ thầy cô nhiều điều.
(Theo Cảnh sát Toàn cầu)