Phiên sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan tới hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh hôm nay bước vào ngày làm việc thứ 8 trong chuỗi dự kiến 13 ngày.
Một tuần làm việc, cả ngày nghỉ cuối tuần, những vấn đề chính của vụ án được toà thẩm vấn bao gồm: việc chỉ định thầu trái luật của các lãnh đạo PVN với PVC trong thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, hợp đồng sai quy định số 33 giữa hai chủ đầu tư PVN và Công ty Điện lực dầu khí (PVPower) với tổng thầu PVC, sai phạm trong cấp tạm ứng tiền làm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích và vụ tham ô 13 tỷ diễn ra tại PVC…
Suốt quá trình thẩm vấn, lời khai của các bị cáo cho thấy họ luôn trong trạng thái bắt buộc phải làm theo chỉ đạo dù biết đó là sai.
Sức ép
Trong phần luận tội ngày 11/1, VKS nêu rõ PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. PVC sau đó sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ, gây thiệt hại 119 tỷ.
Được mời đến toà, ông Vũ Huy Quang (nguyên tổng giám đốc PVPower) nói trong thời gian PVPower làm chủ đầu tư đã bị tập đoàn "thúc ép" ký hợp đồng số 33. Theo ông, hợp đồng 33 là ký tạm mang tính hình thức để có cớ khởi công chứ căn cứ vào đó thì không thể triển khai được bất cứ hạng mục nào.
Theo ông Quang, hợp đồng không có giá trị pháp lý song vẫn phải ký. Ông Quang lý giải đã bị ông Nguyễn Quốc Khánh (cựu phó tổng giám đốc PVN) yêu cầu hoàn tất hợp đồng, ký trước ngày 28/2/2011. Sau khi hợp đồng đã được ký, tiền tạm ứng lại cấp tốc được chuyển cho tổng thầu PVC dù nhiều sếp của cả PVN và PVC đều biết chưa đủ điều kiện.
Ông Vũ Hồng Chương, cựu trưởng ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, khai ở thời điểm nhận được công văn của PVC đề nghị tạm ứng theo hợp đồng 33, ông đã nghe phong thanh rằng hợp đồng này chưa đủ điều kiện thực hiện.
Khi biết hợp đồng có vấn đề lớn, để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, ông đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến chỉ đạo nhưng không ai trả lời.
Khi bị thẩm phán truy vấn vì sao biết vậy mà vẫn chuyển tiền tạm ứng, cựu trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khai chịu sức ép từ lãnh đạo Tập đoàn, cụ thể là các công văn của phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn. Thậm chí ông còn nhận được yêu cầu "chuyển tiền ngay trong ngày".
Trước câu hỏi "ai chỉ đạo", ông Chương khẳng định: “Là anh Đinh La Thăng và tất cả các ban nội dung của Tập đoàn cứ yêu cầu phải làm ngay. Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai đời lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên”.
Ông Chương cho hay có lần đã nghe lệnh miệng của ông Thăng ở phòng làm việc rằng: "Tôi không biết các ông làm sao thì làm, phải chuyển tiền cho nhà thầu thực hiện dự án".
Một lần đối chất khác, cũng nói về sức ép phải chi tạm ứng cho PVC, ông Chương than thở là cấp dưới chỉ biết nghe lệnh cấp trên. "Những áp lực trên đe dưới búa, sự chỉ đạo quyết liệt của tập đoàn, tôi phải thực thi. Nếu tôi không ký lúc đó thì họ nói tôi thế nọ thế kia, rằng cản trở nhà thầu", cựu trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói trước tòa.
Cựu phó tổng giám đốc PVN phụ trách về tài chính Nguyễn Xuân Sơn cũng có lúc khai: "Đơn vị kinh doanh nào cũng vậy, người đứng đầu có yếu tố quyết định mọi công việc, gần như đã quyết là làm".
Luật sư ở phần bào chữa dẫn lời khai trong một bản cung tại cơ quan điều tra của ông Nguyễn Xuân Sơn cho thấy: “Trước đợt chuyển tiền cho Ban quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (ngày 13/5/2011), anh Thăng đã gọi tôi với anh Khánh đến phòng làm việc. Tại đây, anh Thăng mắng tôi và anh Khánh về tiến độ dự án bị chậm, nói với anh Khánh phải ‘triển khai nhanh lên’, nói với tôi ‘phải lo việc tạm ứng cho đầy đủ kịp thời’ và nói với cả hai chúng tôi ‘không triển khai thì biến đi’”.
Một lời khai khác của ông Sơn cũng được luật sư dẫn chứng: “Sau khi anh Đinh La Thăng nói với tôi về việc lo tiền cho đủ, tôi rất lo. Đối với tôi đó là mệnh lệnh phải làm dù chủ tịch tập đoàn chỉ nói miệng. Đó là chưa kể đến tính khí của anh Đinh La Thăng có thể đột ngột cách chức bất kỳ thuộc cấp bất cứ lúc nào”.
Luật sư cho rằng, dưới áp lực đó, ông Sơn đã buộc phải chỉ đạo ông Ninh Văn Quỳnh (khi đó là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán của PVN) phải đề xuất theo hướng đáp ứng đề nghị tạm ứng tiền của PVC.
Ông Quỳnh biết hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên mắng "không làm thì đứng sang một bên để người khác làm" nên buộc phải tuân thủ.
Lựa chọn làm sai hay mất việc?
Không chỉ ở công ty mẹ PVN, theo lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, văn hóa "nghe lệnh" cũng diễn ra tương tự ở công ty con như PVC.
Nhóm cựu cán bộ PVC bị cáo buộc tham ô 13 tỷ đồng ở dự án Vũng Áng – Quảng Trạch cũng khai phải làm theo lệnh cấp trên, chứ không thể khác. Cựu kế toán trưởng dự án Nguyễn Đức Hưng khai bị cựu giám đốc điều hành dự án Lương Văn Hòa chỉ đạo lập khống hợp đồng và cho hay đây là chủ trương của sếp lớn.
“Bị cáo làm trưởng phòng tài chính kế toán, nhận thức được việc làm như thế là sai nhưng bị cáo là cấp dưới, chỉ biết nghe chỉ đạo của cấp trên. Nhất là trong bối cảnh anh Hòa còn nói có cả sự chỉ đạo của cấp trên nữa thì bị cáo buộc phải rút tiền”, Nguyễn Đức Hưng trình bày.
Còn Lương Văn Hòa cũng khai bị Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC), Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đôc PVC) gọi điện yêu cầu chuyển tiền. “Anh Minh nói sẽ có cách bù lại sau, còn chuyển tiền theo sự chỉ đạo của anh Thanh và tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận. Sau khi chuyển tiền rồi bị cáo hỏi anh Minh xem bù lại quỹ như thế nào, anh Minh nói 'giờ cứ vẽ ra mà làm', mọi thủ tục anh Minh sẽ lo”, bị cáo Hòa khai.
Bị cáo Nguyễn Lý Hải (bộ phận kỹ thuật dự án) cũng nói bị sếp Lương Văn Hòa gọi vào phòng riêng, nói "lãnh đạo công ty cần chi phí đối ngoại". Theo lời khai của bị cáo Hải, khi ông Hoà nói về việc lập khống hồ sơ, ông đã can nói "làm thế là vi phạm đấy". Ông Hải đã đấu tranh nội tâm giữa việc ‘làm hay không làm’, nhưng sợ mất việc, không có lương nên dù biết sai và không được hưởng lợi cũng đành "nhắm mắt đưa chân" làm theo chỉ đạo.
* 13 tỷ đồng tham ô được chia thế nào?
Ông Đinh La Thăng nhìn lại quá khứ
Bên cạnh lời khai của các thuộc cấp ở PVN và PVC, trong những ngày vừa qua, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần nhắc tới những cụm từ "day dứt, trăn trở" và thừa nhận sự quá quyết liệt, nôn nóng của mình đã đẩy cấp dưới tới sai phạm.
Chiều 9/1, khi nhớ lại giai đoạn triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng cho rằng đây là dự án cấp bách nên được thực hiện theo cơ chế đặc thù. Tập đoàn ép phải triển khai theo đúng tiến độ nên HĐTV cũng ép các cấp của Tập đoàn phải "chạy việc" theo cách nhanh nhất.
Ông Thăng nói: "Đối với anh em tham gia dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vì tiến độ căng thẳng như vậy, vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo mà anh em không đủ thời gian vật chất cần thiết để triển khai công trình, dẫn đến có vi phạm. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho anh em về việc đó”.