Ném đầu thuốc lá xuống đường bị phạt một triệu đồng
Nghị định 155/2016 có hiệu lực từ tháng 2/2017 cho phép phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Chiến sĩ công an, công an phường, chủ tịch xã, phường, quận, huyện... và nhiều lực lượng khác được phép xử lý những trường hợp trên. Tuy nhiên theo ghi nhận, thời điểm nghị định mới có hiệu lực, tại Hà Nội, công an các quận, huyện ra quân đồng loạt xử phạt. Hàng chục người đi tiểu bậy, vứt rác nơi công cộng đã bị xử phạt nặng và bêu tên trên báo.
Tuy nhiên, tình trạng người hút thuốc lá ném đầu thuốc xuống đường, không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến nhưng không có lực lượng chức năng xử phạt.
Hút thuốc lá nơi công cộng
Ngày 1/5/2013, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Theo quy định, các địa điểm cấm hút thuốc lá công cộng hoàn toàn, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; các địa điểm trong nhà cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm ôtô, máy bay, tàu điện.
Những hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Mứ phạt tăng lên 500.000-2 triệu đồng đồng với một trong các hành vi bán cung cấp thuốc lá chưa đủ 18 tuổi và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
Thời điểm Luật có hiệu lực, trên toàn quốc có duy nhất tỉnh Lào Cai báo cáo đã xử phạt được hàng chục trường hợp.
Không đeo rọ mõm cho chó, để chó thả rông bị phạt ít nhất 600.000 đồng
Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực từ 15/9 quy định nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng...
Tuy nhiên hiện nay tình trạng chó thả rông ở đường phố Hà Nội vẫn diễn ra phổ biến nhưng không có cơ quan chức năng xử lý. Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Hồng Phong (Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội) cho rằng đây không phải là quy định mới mà "chuyển tiếp, bổ sung, sửa đổi nghị định cũ", có tăng một số hình phạt trong đó có việc chó thả rông, không đeo rọ mõm.
Chi cục cũng không cử người đi phát hiện, xử phạt chủ các con chó thả rông hoặc không đeo rọ mõm, cho rằng việc này "thẩm quyền chính thuộc về chính quyền địa phương".
Còn tại TP HCM có tổ công tác đi bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm và đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại di động ở cây xăng
Mức phạt này được ghi trong Nghị định 52 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ 5/8/2012. Theo đó, việc sử dụng điện thoại di dộng tại các trạm bán xăng sẽ bị cấm và phạt 2-5 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với quy định trước đây. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ thực hiện việc bắt "quả tang", lập biên bản và ra quyết định xử phạt.
Dù việc xử phạt là cần thiết, song đến nay quy định này bị nghi ngờ về tính khả thi bởi nhiều người vẫn "vô tư" vi phạm nhưng không bị xử phạt.
Liên quan các quy định ít được thực thi, một số chuyên gia luật cho rằng, việc phân cấp các lực lượng thực thi, xử phạt còn quá rộng, không tập trung cụ thể và không gán trách nhiệm cho đơn vị nào chủ trì. Vì thế, tình trạng này dẫn đến việc không cơ quan nào đi xử phạt hoặc làm cầm chừng vì quá nhiều việc.
Phần lớn những quy định trên mang tính răn đe cao, nhiều mức phạt lên tới hàng triệu đồng) như ném mẩu thuốc lá, hay vệ sinh nơi công cộng), trong khi đó nhiều trường hợp vi phạm là công nhân, người lao động nên lực lượng chức năng không xử lý được mà chỉ nhắc nhở.
Tương tự, quy định cấm hút thuốc nơi công cộng dường như rất khó thực thi vì hình phạt và chế tài chưa đủ mạnh để người vi phạm phải sợ hãi. "Chúng ta nên học Singapore và cần có cảnh sát phụ trách riêng về chuyên đề này, ngoài ra phải xử phạt nặng hoặc bắt người vi phạm phải lao động công ích", một luật sư nêu quan điểm.