Nhưng đến nay, ông Kỳ vẫn chưa được hưởng công lý. Ông đau khổ: “Với 56 tuổi đời, cái tuổi đã xế chiều vậy mà cho tới giờ tôi vẫn bị nỗi oan nhục trong suốt 400 ngày qua theo đuổi... Ở đây, người ta vẫn cho tôi là kẻ có tội”.
Ban đầu, cơ quan điều tra Công an tỉnh không đưa ông Kỳ vào danh sách khởi tố bị can, nhưng bằng công văn số 908/KSĐT-KT, VKS tỉnh đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án với ông Kỳ. Ngày 16/8/1999, VKS tỉnh truy tố ông Kỳ về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và quản lý rừng.
Ngay từ phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử do thẩm phán Trương Văn Phước chủ tọa đã phủ nhận hầu hết các chứng cứ buộc tội ông Kỳ. Chứng cứ thứ nhất mà VKS đưa ra là việc ông Kỳ ký duyệt tờ trình số 03 ngày 16/4/1993 của Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu Quảng Bình, xin phép thu mua số lim tận thu tại rừng Tuyên Hóa mà theo họ đã tạo sở hở cho kẻ xấu lợi dụng để mua lim chính phẩm. Nhưng chính Bộ Lâm nghiệp, cơ quan chuyên trách về quản lý, bảo vệ rừng lại có chỉ thị khuyến khích các địa phương tận thu loại gỗ này. Chứng cứ thứ hai được đưa ra là bản phô tô “bút tích” của ông Kỳ phê duyệt công văn số 24 ngày 6/11/1992 của Lâm trường Tuyên Hóa mà theo cơ quan công tố là đã tạo điều kiện cho lâm trường tùy tiện thu gom 2.237 m3 gỗ nhóm II và 45,9 m3 gỗ nhóm IV bán ra ngoài. Nhưng chứng cứ này lại có dấu hiệu “lắp ghép” mà chính hội đồng xét xử cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều nhận định: “các chữ đánh máy mờ, 2 dòng chữ dưới xiên, không song song”. Đặc biệt, cơ quan điều tra không hề có bản gốc, bản sao cũng như biên bản thu giữ tài liệu này. Trong khi đó, kiểm sát viên giữ quyền công tố trước tòa cũng chỉ mập mờ được rằng văn bản này do một “bị cáo giấu tên” cung cấp (?). Tuy nhiên, tòa vẫn phải tuyên ông Kỳ phạm tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng theo khoản 1 điều 181 Bộ luật hình sự và tuyên phạt ông Kỳ 15 tháng tù cho hưởng án treo.
Chính ông Phước đã thừa thừa nhận: “Cơ quan điều tra đã không làm rõ được các chứng cứ để buộc tội ông Kỳ, thế nhưng cuối cùng tôi vẫn buộc phải tuyên Kỳ có tội”.
Nhiều người cho rằng, hội đồng xét xử sơ thẩm đã chịu sức ép buộc phải “chia tội” cho các bị cáo trong vụ án. (Theo Lao Động, Thanh Niên, 3/1).