Ngày 3/7, TAND TP HCM xét xử bị cáo Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long - MHB) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 BLHS năm 1999, mức án 10-15 năm tù.
Liên quan vụ án, 16 bị cáo khác cũng bị truy tố về tội này, hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có ông Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng giám đốc MHB), Bùi Thanh Hưng (nguyên Phó tổng giám đốc MHB), Nguyễn Văn Thanh (nguyên kế toán trưởng MHB), Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long - MHBS), Đặng Văn Hòa (nguyên Phó tổng giám đốc MHBS)... Tất cả đều được tại ngoại.
Để phục vụ cho việc tranh tụng, HĐXX triệu tập 17 người nguyên là lãnh đạo các công ty thuộc Ngân hàng MBH và các công ty khác với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Do năm 2015 MHB được sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cổ đông của MHBS nên BIDV được xác định là nguyên đơn dân sự.
Theo cáo trạng, năm 2006 Ngân hàng MHB thành lập Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Từ năm 2011 đến năm 2014, ông Huỳnh Nam Dũng đã lấy danh nghĩa chị gái góp 13,8 tỷ đồng vào Công ty MHBS; Nguyễn Phước Hòa lấy tên con trai góp 2,7 tỷ.
Ông Dũng bị cho là lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao, cùng Hòa thông qua việc họp hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỷ đồng cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, Lữ Thị Thanh Bình đã sử dụng 3.357 tỷ đồng mang đi gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ. Sau đó, Công ty MHBS mang 1.558 tỷ đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng 966 tỷ để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ của chính MHB thông qua một số công ty trung gian.
Cơ quan điều tra xác định, việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại cho MHB tổng số tiền hơn 349 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãnh đạo Công ty MHBS thống nhất mở tài khoản cá nhân làm tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán, gây thiệt hại hơn 108 tỷ đồng. Tổng thiệt hại MBH phải gánh chịu là gần 458 tỷ.
Các bị cáo hưởng lợi từ 131 đến 930 triệu đồng, riêng ông Dũng hưởng lợi 460 triệu.
Trong phần thủ tục, luật sư của bị cáo Huỳnh Nam Dũng đề nghị HĐXX triệu tập Kiểm toán Nhà nước, đại diện MHBS, hội đồng giám định để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, trong quá trình xét hỏi và diễn biến phiên tòa nếu cần thiết sẽ triệu tập. Riêng MHBS, sau khi vụ án được khởi tố công ty này cũng ngưng hoạt động nên HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 10/7.
Lan Ngọc