Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và các hành vi chống người thi hành công vụ. Theo người đứng đầu Chính phủ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến có hành vi chống lại lực lượng thi hành công vụ. Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng thi hành công vụ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; thậm chí tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu, bức xúc cho người dân.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, làm rõ những bất cập, hạn chế về pháp luật liên quan hoạt động thi hành công vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các bộ cần sớm đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; bảo vệ người dân và người thi hành công vụ...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có hướng dẫn cụ thể cho phép người thi hành công vụ trong trường hợp nào được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để phòng vệ chính đáng; để trấn áp, khống chế, vô hiệu hóa người có hành vi chống lại người thi hành công vụ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an, chỉ đạo các lực lượng, điều tra và xử lý nghiêm các vụ án chống người thi hành công vụ đã xảy ra, không để kéo dài.
Cũng liên quan đến việc chống người thi hành công vụ, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo: Với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật...
Cảnh sát được nổ súng bắn người chống đối
Nghị định 208/2013 cho phép trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ mới được sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế...
Trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Cảnh sát được nổ súng khi người vi phạm đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Nghị định cho phép cảnh sát được bắn vào phương tiện giao thông khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có người phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin...
Thời gian vừa qua, tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ diễn ra phổ biến. Gần đây nhất vào chiều 30/6, tài xế xe container chạy trên quốc lộ 1A hướng Nam - Bắc. Đến đoạn qua huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bị tổ công tác thuộc Phòng CSGT (Công an Hà Tĩnh) yêu cầu dừng vì chạy quá tốc độ, tài xế không chấp hành, tông thẳng vào 2 cảnh sát. Một người né được, người còn lại phải bám vào đầu xe, sau đó bị hất xuống đường, gây thương tích nặng.
Trước đó tháng 4, tại TP HCM, một tài xế xe tải đã bỏ chạy khi một cảnh sát giao thông đang bám vào gương chiếu hậu. Cảnh sát không may bị trượt chân té ngã, bị bánh xe tải cán qua chết tại chỗ. Một ngày sau, tài xế ra đầu thú.