Rừng phòng hộ bị xóa sạch nhìn từ trên cao. Video: Hà Nguyễn.
Chiều 26/9, Công an huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết, đã bắt tạm giam ông Phùng Văn Bảy (xã Tiên Lãnh) để điều tra về tội Hủy hoại rừng (theo Điều 243 Bộ luật hình sự).
Ngày 17/8 cơ quan chức năng huyện Tiên Phước tuần tra rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh phát hiện bảy người ở huyện Bắc Trà My được thuê phá rừng lấy đất trồng keo.
Nhà chức trách xác định rừng bị phá thuộc khoảnh 5, tiểu khu 556 với diện tích gần năm hécta.
Trước đó ngày 13/9, nhiều người dân đã mang cưa máy đốn hạ rừng tự nhiên xã Tiên Lãnh để lấy đất trồng keo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo kết quả trước ngày 31/10.
Ngày 22/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra hiện trường. Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, yêu cầu công an khẩn trương tìm ra chủ mưu thuê người phá rừng; huyện Tiên Phước phối hợp với kiểm lâm xác định chính xác diện tích rừng bị phá.
Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án phá rừng. Thống kê ban đầu từ năm 2010 đến ngày 15/9, có hơn 124 hécta rừng phòng hộ bị “xóa sổ” để lấy đất trồng keo.
Điều 243. Tội hủy hoại rừng 1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm. a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên 30.000 mét vuông đến dưới 50.000 mét vuông; b) Rừng sản xuất có diện tích từ trên 5.000 mét vuông đến dưới 10.000 mét vuông; c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông đến dưới 7.000 mét vuông; d) Rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông; đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu; e) Diện tích rừng hoặc giá trị lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét vuông đến dưới 100.000 mét vuông; đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông đến dưới 50.000 mét vuông; e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông đến dưới 10.000 mét vuông; g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông đến dưới 5.000 mét vuông; h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu; i) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm: a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét vuông trở lên; b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông trở lên; đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu; e) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sau tháng đến ba năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một năm đến ba năm. |