TTXVN hôm nay cho biết, Công an Bình Dương đang tạm giữ Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê Thanh Hoá) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê Nghệ An) vì in tài liệu, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự.
Hai người này bị cáo buộc, lợi dụng việc Quốc hội bàn về quy định cho thuê đất 99 năm làm đặc khu kinh tế, để in nhiều tờ rơi xuyên tạc sự thật. Thời điểm bị bắt quả tang, Huệ đang rải tờ rơi tại khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần. Cảnh sát thu giữ hàng nghìn tài liệu với nội dung kêu gọi người dân biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế.
Trong ngày 9/6, Công an TP HCM cũng tạm giữ một số người có hành vi tương tự.
Tình trạng diễu hành thành đoàn trên các tuyến đường, hôm nay diễn ra trên diện rộng như TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận…
Tại TP HCM, từ sáng 10/6, hàng nghìn người tuần hành trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Duẩn, Nhà thờ Đức Bà, Công viên 30/4... căng băng rôn, biểu ngữ có nội dung "phản đối luật đặc khu"... Đoàn người sau đó hợp chung lại các nhóm khác khiến giao thông nhiều nơi rối loạn.
Nghiêm trọng nhất là cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Từ sáng sớm, đông nghịt người tụ tập ở Công viên Hoàng Văn Thụ, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và nhiều tuyến đường xung quanh như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn... Đến trưa, dòng người ngày càng đông khiến giao thông quanh khu vực sân bay tê liệt. Nhiều hành khách phải kéo valy chạy bộ cả km vào sân bay, không ít người trễ chuyến. Hãng hàng không Vietnam Airlines sau đó phát thông báo khuyến nghị hành khách chủ động thu xếp thời gian ra sân bay sớm nhất có thể, đặc biệt tránh di chuyển qua trục đường chính vào sân bay - Trường Sơn, để đảm bảo đi lại không bị chậm trễ.
Lực lượng công an, an ninh, cảnh sát cơ động được huy động để giải tán đám đông, điều tiết giao thông. An ninh sân bay cũng ra tận đường Trường Sơn để cùng phối hợp, tránh trường hợp có người quá khích. Đến 13h, tình hình trật tự ổn định trở lại.
Tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), từ sáng, từng tốp nhỏ khoảng vài chục người tập trung tại một số địa điểm sau đó kéo ra Quốc lộ 1 chặn xe, phản đối dự thảo Luật Đặc khu. Càng về chiều, lượng người tụ tập càng đông.
Hàng trăm cảnh sát được huy động nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Tại một số điểm, cảnh sát đã gặp phải phản ứng mạnh từ dòng người. Nhiều thanh niên ném gạch đá tấn công, đập phá ôtô công vụ.
Ông Nguyễn Trung Trực (Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong) cho hay, Quốc lộ 1A bị tê liệt từ trưa đến 19h vẫn chưa thể thông tuyến. "Các lực lượng đang vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề, quy định pháp luật để tránh bị kẻ xấu xúi giục, kích động", ông Trực nói với VnExpress.
CSGT Bình Thuận đã huy động lực lượng để phân luồng. Xe ở hai đầu hướng vào và ra thị trấn Phan Rí Cửa được điều tiết đi đường vòng, tránh ùn tắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, việc người dân thể hiện quan điểm chính kiến của mình Nhà nước không cấm, song cần nằm trong khuôn khổ cho phép, không được lợi dụng để có những hành vi vi phạm pháp luật. "Việc người dân chặn Quốc lộ 1 gây ách tắc và có nhiều hành vi quá khích là không thể chấp nhận, cần xử lý nghiêm theo quy định", ông Hùng nói.
Tương tự, tại Đồng Nai, Khánh Hoà, Hà Nội hôm nay cũng diễn ta tình trạng tập trung đông người.
Ông Hồ Văn Mừng, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa, cho biết, nhiều người lấy lý do phản đối Dự luật Đặc khu để đổ xuống đường. "Lòng yêu nước của người dân đáng để ghi nhận, song phải thể hiện đúng chứ không phải xuống đường la hét", ông Mừng nêu quan điểm và cho biết, chưa có sự đụng độ giữa người làm nhiệm vụ với người tham gia tuần hành.
Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá, trong số đám đông tụ tập sáng nay có nhiều thành phần "có âm mưu chống phá", bởi trước đó có nhiều tin nhắn kêu gọi xuống đường.
Việc tụ tập đông người diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Trước đó, quá trình thảo luận trên nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết.
Hiện, Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, những hành vi kêu gọi biểu tình đều được coi là trái phép.
Ban Thời sự