TAND TP HCM chiều 29/6 xử phúc thẩm vụ anh Trần Xuân Trì (31 tuổi, quê Nghệ An) kiện Công ty Ninh Phát (huyện Bình Chánh) đòi bồi thường gần 400 triệu đồng thiệt hại do bị mất cánh tay khi làm việc ở doanh nghiệp này.
Đến tòa từ sớm, anh Trì ngồi chờ HĐXX làm việc với vẻ đăm chiêu. Người đàn ông nhỏ thó, nước da ngăm, khoác hờ chiếc áo đen để che đi cánh tay khuyết tật.

Anh Trì tại toà. Ảnh: Kỳ Hoa.
Năm 2006, anh Trì cùng vợ con rời quê đến Sài Gòn lập nghiệp. Khoảng giữa tháng 9/2013, anh làm thuê tại Công ty Ninh Phát với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, hai bên không ký hợp đồng lao động cũng như phía công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho anh.
Chiều ngày 6/2/2016, nhận chỉ đạo của con trai giám đốc, anh Trì thử máy chuyền nhựa thì bị cuốn đôi găng tay bảo hộ đang đeo. Sức hút của máy quá lớn, cánh tay phải của nam công nhân bị cuốn theo, dập nát và phải cắt bỏ sau đó. Kết quả giám định anh Trì bị thương tật 65%.
Sau tai nạn, phía Công ty Ninh Phát hỗ trợ cho nạn nhân hơn 16 triệu đồng tiền viện phí. Anh Trì nhiều lần yêu cầu công ty bồi thường nhưng bị từ chối. Đến ngày 4/8/2016, nam nhân viên bị cho nghỉ việc không lý do.
Bức xúc, anh Trì làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Bình Chánh, yêu cầu Công ty Ninh Phát bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động, trợ cấp số tiền tương ứng với chế độ lao động theo Luật bảo hiểm xã hội, cũng như thanh toán tiền lương từ ngày bị cho nghỉ việc.
Hồi tháng 10 năm ngoái, TAND huyện Bình Chánh bác đơn khởi kiện, cho rằng anh Trì không phải nhân viên của công ty (không ký hợp đồng) nên không có cơ sở chấp nhận. Sau bản án này, anh Trì tiếp tục làm đơn kháng cáo.
Cuộc thương lượng bất thành
Tại phiên xử phúc thẩm lần này, HĐXX nỗ lực khuyên đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị Định (giám đốc Công ty Ninh Phát) đưa ra mức bồi thường hợp lý, anh Trì sẽ rút đơn kiện. Tuy nhiên, phía công ty nói chỉ có thể hỗ trợ 40 triệu đồng.
"Bị đơn phải làm việc này bằng cái tâm của mình chứ không thể hời hợt được. Đây vừa là tình người, vừa là đạo đức xã hội", chủ tọa lắc đầu, nói.
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (bảo vệ quyền lợi cho anh Trì) cho biết phía nguyên đơn rất mong đạt được hòa giải để mọi việc sớm chấm dứt. "Anh Trì từ Nghệ An vào đây chỉ có hai bàn tay trắng để lao động, nhưng giờ đây anh ấy không những mất mát về thể xác mà cả tinh thần cũng xuống dốc", luật sư nói.
Không thể thương lượng, phía nguyên đơn giữ nguyên đơn kiện yêu cầu Công ty Ninh Phát bồi thường tổng cộng 389 triệu đồng gồm: 141 triệu vì để xảy ra tai nạn lao động, hơn 56 triệu tiền chế độ lao động, hơn 191 triệu do bất ngờ đuổi việc anh Trì.
Cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng
Giữ nguyên quan điểm như ở cấp sơ thẩm, phía bị đơn đưa ra lý do anh Trì không ký hợp đồng lao động, không phải là nhân viên nên công ty bác bỏ mọi yêu cầu.
Có mặt tại tòa với tư cách nhân chứng, hai đồng nghiệp cũ xác nhận anh Trì đã làm việc một thời gian dài tại Công ty Ninh Phát, được con bà Định trực tiếp chỉ đạo. Luật sư của anh Trì cũng đưa ra bằng chứng là các bản chấm công của công ty.
Ngoài ra, khi chủ tọa hỏi tại sao con bà Định lại đưa anh Trì nhập viện khi xảy ra tai nạn, người đại diện bị đơn trả lời: "Vì anh ấy là nhân viên, người làm cho công ty".
Sau khi xem xét các hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của anh Trì, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND huyện Bình Chánh để thu thập thêm chứng cứ, xét xử lại.
HĐXX đánh giá phía Công ty Ninh Phát không có thiện chí hòa giải, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì chưa xem xét toàn diện yêu cầu của nguyên đơn, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ cũng như không triệu tập đủ người liên quan.
Trước đó, TAND TP HCM đã hai lần mở phiên phúc thẩm nhưng đều hoãn để các bên có thêm thời gian hòa giải. Riêng tại phiên xử thứ hai diễn ra hồi tháng 2, tòa đã có văn bản gửi đến Công an huyện Bình Chánh yêu cầu thu thập thêm chứng cứ. HĐXX đánh giá việc Công ty Ninh Phát không trình báo về vụ tai nạn là có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, hiện Công an huyện Bình Chánh vẫn chưa có văn bản trả lời.
Kỳ Hoa