Ngày 8/12, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã triệu tập Phạm Thị Tú Trinh đến lấy lời khai phục vụ điều tra vụ bạo hành bé trai 10 tuổi.
Trinh nhận chiều 5/12 có dùng đũa vụt mạnh vào mặt bé Duy vì “mở khóa cửa vào phòng lấy trộm đồ”. Trinh cho rằng nếu mình không "dậy dỗ" con riêng của chồng thì khi chồng về nhà biết chuyện sẽ còn nặng tay hơn với đứa trẻ.
Theo tường trình của Trinh, mâu thuẫn với bố mẹ chồng, tháng 7/2016 vợ chồng chị dọn ra ngoài thuê trọ. Do Duy nghịch ngợm, thường xuyên quậy phá nên hai vợ chồng phải "uốn nắn". Trinh hai lần dùng đũa ăn đánh vào tay Duy nhưng “chỉ đánh nhẹ và không gây thương tích”. Cũng có lần Trinh dùng môi inox vụt vào bả vai đứa trẻ 10 tuổi...
Trinh không thừa nhận vợ chồng cô đã bắt con riêng của chồng phải nghỉ học khi mới xong lớp 2. Cô nói đã liên hệ trường song bé Duy không muốn đi nên đành thôi.
Theo cảnh sát, do bố mẹ ly hôn, Duy sống cùng bố. Bé trai 10 tuổi cho hay ban đầu bố và mẹ kế sống ở phố Ngọc Hà, sau chuyển đến phòng trọ ở phố Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy). Em phải nghỉ học, phải làm những công việc của người lớn và liên tục bị bố cùng mẹ kế đánh đập, bất kể có lỗi hay không.
“Cháu thường xuyên bị nhịn đói, hai năm liền chưa được một bữa ngon và nhiều đêm phải tự trải tấm chăn mỏng ra nền đất ngủ. Cháu muốn đi ra ngoài chơi cũng không được, suốt ngày chỉ ở trong nhà”, Duy nói.
Trong gần hai năm, cậu bé tích cóp được 5.000 đồng từ những lần mua đồ còn thừa tiền. Duy tính dùng số tiền này để chạy trốn song năm lần đều thất bại. "Có một lần em trốn được ra khỏi nhà nhưng lại bị bố bắt được, lôi về đánh”, Duy kể.
Sau trận đòn chiều 5/12 từ người mẹ kế vì “nghi ăn vụng thịt bò vừa hầm xong”, cậu bé quyết tâm bỏ trốn. Gần 17h, khi mẹ kế và bố ra ngoài, bé cầm 5.000 đồng chạy ra gặp ông xe ôm ở đầu ngõ xin chở về nhà ông bà nội.
“Cháu phải tháo dép, chạy bằng chân đất cho nhanh để bố và dì không bắt lại được”, Duy nói. Không đủ tiền đi xe ôm, ông lái xe cho cậu bé thêm 2.000 đồng rồi chở ra điểm xe buýt, giúp bé bắt xe về phố Hoàng Hoa Thám.
“Gần hai năm không về, nhưng cháu vẫn nhớ ngõ và số nhà. Đến Công viên Bách Thảo, cháu bảo bác tài cho xuống xe rồi chạy luôn về nhà ông bà nội. Lúc đó cháu còn phải đọc tên, tuổi, ngày tháng năm sinh của mình thì ông bà mới nhận ra”, bé trai 10 tuổi nói.
Chị Ngân (mẹ ruột cháu bé) cho biết nếu “cháu không lên tiếng và mặc chiếc áo chị mua cho trước đây chắc chẳng dám tin đây là con mình”. Bé Duy gầy guộc với mái tóc dài phủ kín tai như con gái và bộ quần áo rách tươm, mặt chi chít vết thương. Bác sĩ xác định Duy bị rạn bốn xương sườn, nứt sọ não.
Một ngày sau, bố Duy là Trần Hoài Nam (34 tuổi) bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, bắt để điều tra hành vi hành hạ con ruột 10 tuổi. Cùng ngày, nhà chức trách đã đưa Nam về nhà thực nghiệm việc bạo hành.
Tại cơ quan công an, Nam khai con nghịch ngợm, khó bảo cần "dạy dỗ". Anh ta sử dụng chiếc móc áo nhôm thành roi, bắt con nằm úp mặt hoặc đứng sát vào tường để đánh. Có nhiều khi Nam dùng muôi múc canh đánh vào đầu, thậm chí đạp con gãy xương sườn.
Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng, cho thấy có khoảng 50% trẻ em đưa vào trường giáo dưỡng có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% - gấp sáu lần tỷ lệ bị mẹ đánh. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thu Hương (ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội), hành vi bạo lực, xâm hại để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ. Sự đau đớn thể xác rồi sẽ qua đi, nỗi ám ảnh không thể xóa là "đau đớn tinh thần". Bà Lê Hồng Loan (Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em thường để lại những tổn hại nghiêm trọng, trong đó có phát triển trí não. Các chuyên gia thần kinh cảnh báo, sự phát triển thùy trước não bộ của những nạn nhân này sẽ bé hơn trẻ sống trong môi trường lành mạnh. |