Theo hồ sơ vụ án mà TAND TP HCM sắp đưa ra xét xử trong thời gian tới, Mạch Hữu Tài (24 tuổi) và đồng bọn là những người có trình độ công nghệ cao. Lợi dụng sự hiểu biết của mình, nhóm người này đã đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng online và hàng trăm vé máy bay rồi bán lại kiếm tiền.
Trong một lần đến nhà bạn chơi, Tài được bày cách lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài trên mạng để tự do mua sắm trên các website bán hàng online. Khi đã rõ ngọn ngành, thanh niên này về nhà lên mạng tự "làm ăn".
Thời gian đầu, Tài chỉ mua những thứ ít giá trị như phần mềm máy tính, quần áo... Tháng 8/2008, khi biết hãng hàng không Vietnam Airlines bỏ thủ tục kiểm tra thẻ tín dụng của khách mua vé máy bay điện tử, thanh niên này bèn nghĩ ra cách kiếm tiền.
Tài truy cập vào trang mạng của Vietnam Airlines để đặt mua vé điện tử. Khi đến phần thanh toán, người này điền thông tin của những cá nhân tại nước ngoài mà mình đã trộm cắp được. Tuy nhiên, đến bước kiểm tra quan trọng khác mà trang này yêu cầu là mật khẩu của tài khoản khi thanh toán thì gã hacker trẻ này không có.
Để lách qua phần này, Tài tìm hiểu và phát hiện việc khai báo có thể thay thế bằng những thông tin khác như số chứng minh (ID), ngày tháng năm sinh của chủ tài khoản. Thanh niên này lại lên một trang web khác để tìm kiếm và việc mua bán được chấp nhận, mã vé điện tử liền được chuyển đến email.
Bằng thủ đoạn này, Tài cùng vài người bạn trong đó có Lê Ngọc Thái đã mua hàng trăm vé máy bay, hàng hóa trên mạng và thanh toán bằng những tài khoản ở nước ngoài. Số vé này, Tài dùng để bán lại cho những ai có nhu cầu với giá rẻ chỉ bằng phân nửa để lấy tiền mặt tiêu xài.
Đến cuối năm 2009, tại sân bay Tân Sơn Nhất cảnh sát bất ngờ kiểm tra thẻ tín dụng của hành khách Lê Ngọc Thái (23 tuổi, Bình Thạnh). Người này không trình được thẻ đã thanh toán cho vé mình đi. Kiểm tra máy tính xách tay của hành khách này, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thông tin tài khoản của nhiều cá nhân nước ngoài.
Sau thời gian vòng vo, Thái đã khai nhận chiếc vé này được mình và các bạn mua bằng những tài khoản ăn cắp. Các thành viên trong nhóm sau đó lần lượt sa lưới. Cảnh sát cũng xác định số tiền mà Tài cùng đồng bọn đã mua hàng lên đến cả tỷ đồng. Trong đó phần thiệt hại lớn nhất thuộc về các chủ tài khoản ở nước ngoài.
Một số băng nhóm người nước ngoài lại dùng thẻ thanh toán loại Master hoặc Visa giả để thực hiện các giao dịch tại Việt Nam.
Cuối năm 2008, Lovelyn Delos Santos Galang (32 tuổi, quốc tịch Philippines) đến Việt Nam để kiếm việc làm lấy tiền gửi về quê nuôi gia đình. Qua giới thiệu của bạn bè đồng hương, cô này làm quen với Locsin Dela Cruz Gracelda (43 tuổi).
Đến tháng 4/2008, thấy cô bạn không có việc làm, Locsin rủ Lovelyn tham gia đường dây sử dụng thẻ tín dụng giả để đi mua hàng hóa sau đó về bán lại lấy tiền. Nhận lời, Lovelyn cung cấp thông tin cá nhân để ông này “cấp” cho mình một số thẻ Visa và Master Card.
Lovelyn tại tòa. Ảnh:V.M |
Có thẻ trong tay, cô này bỗng chốc chở thành “đại gia” suốt ngày mua sắm. Lovelyn lang thang khắp các khu trung tâm thương mại ở Sài Gòn để mua điện thoại, nữ trang… tổng cộng hơn 235 triệu đồng. Hàng hóa mua được, người này giao tất cả cho bạn mình để bán lại.
Một lần đến mua laptop tại cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lovelyn đưa cô nhân viên 2 thẻ Visa để thanh toán. Sau nhiều lần kiểm tra, máy không chấp nhận. Thấy vậy, bà này tiếp tục đưa thêm một thẻ khác thì mới thanh toán được. Nghi ngờ, nhân viên tại đây đã báo cơ quan chức năng bắt giữ người này.
Công an sau đó còn xác định, ngoài việc sử dụng thẻ giả mua hàng, Lovelyn còn trực tiếp sang Campuchia nhiều lần để lấy hàng trăm thẻ về đưa cho Locsin phân phát lại cho những người khác đi tiêu thụ. Với việc phạm tội này, Lovelyn phải nhận 10 năm tù về tội “lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”.
Trong một vụ án khác vừa được đưa ra xét xử, Nguyễn Chí Toàn (27 tuổi, quận Tân Bình) lại lợi dụng sơ hở của ngân hàng nơi mình làm để ghi khống số tiền lớn vào thẻ ATM rồi rút ra tiêu xài.
Làm nhân viên tại một công ty chuyên cung cấp, lắp đặt và bảo trì hệ thống phần mềm quản trị thẻ ATM, giữa năm 2009, Toàn được phân công nhiệm vụ đến Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) để khắc phục các sự cố trong việc quản lý hệ thống thẻ.
Với nhiệm vụ này, kỹ sư trẻ được cấp một tài khoản quản trị có quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu thẻ của Ngân hàng MHB nhưng không thể chỉnh sửa thông tin. Sau một thời gian "nghiên cứu", Toàn đã tìm ra cách đột nhập vào hệ thống này và thay đổi một số dữ liệu nhưng không bị phát hiện.
Tháng 1/2011, để moi tiền ngân hàng, Toàn làm giả một chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Nan rồi đến một phòng giao dịch của Ngân hàng MHB mở thẻ ATM. Xong việc, kỹ sư này tiếp tục truy cập vào hệ thống tạo một tài khoản khác có tên Lê Ngọc Trúc và ghi khống số tiền 250 triệu đồng vào đây.
Bước cuối cùng, Toàn sửa số thẻ tài khoản có tiền này cho trùng với thẻ ATM khách hàng Nguyễn Nan. Khi thẻ này được cho vào máy, hệ thống sẽ hiểu thẻ này là của Lê Ngọc Trúc và việc rút tiền diễn ra bình thường.
Với cách này, trong vòng hơn một tháng, Toàn đã thực hiện 114 lần rút tiền để chiếm đoạt của ngân hàng này 329 triệu đồng. Để an toàn, người này thường chọn những buồng ATM không có camera an ninh.
Thấy việc kiếm tiền quá dễ, người này lại tiếp tục dùng chứng minh giả mở tiếp tài khoản ATM khác và truy cập hệ thống ghi khống 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa kịp sử dụng thẻ này để rút tiền thì bị mất. Tiếc số tiền quá lớn, Toàn báo cho ngân hàng khóa tài khoản lại thì bị phát hiện. Mới đây Toàn phải nhận 6 năm tù về tội "Sử dụng máy tính, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Toàn và Lâm ngày đưa ra xét xử. Ảnh: A.H |
Tương tự, cũng với chiêu "nội gián", Lâm Nguyễn Minh Tâm (28 tuổi, từng là nhân viên ngân hàng MHB) đã chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng.
Cuối tháng 12/2009, Tâm làm việc tại bộ phận kế toán giao dịch Phòng giao dịch Hải Thượng Lãn Ông, với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ làm thẻ và trả thẻ ATM cho khách hàng. Làm việc gần một năm, người này đã âm thầm cài đặt trái phép phần mềm điều khiển máy tính từ xa qua mạng Internet vào máy chủ của Phòng giao dịch này. Sau khi nắm rõ những thông tin cần thiết, Tâm làm đơn xin nghỉ việc.
Đầu tháng 11/2010, Tâm bàn giao công việc cho ngân hàng nhưng vẫn giữ lại 5 thẻ ATM của những khách hàng khuyến mãi thẻ nhưng không đến nhận. Sau khi nghỉ việc, Tâm dùng những phần mềm quản lý máy tính từ xa để cài đặt nhiều chương trình vào máy chủ tại phòng giao dịch. Từ đây, anh này biết được tên và mật khẩu của kế toán và kiểm soát viên.
Có 2 tài khoản trong tay, Tâm dễ dàng đăng nhập chương trình quản lý thẻ của hệ thống ngân hàng và ghi 5 tỷ đồng vào một tài khoản thẻ ATM. Với quyền truy cập của kế toán, Tâm thực hiện lệnh duyệt cho số tiền này vào tài khoản. Sau nhiều lần rút được hơn 500 triệu đồng, Tâm đã bị cảnh sát bắt và phải nhận 7 năm tù.
Nhật Vy