Chiều nay, sau phần luận tội của VKS, ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng mở đầu phần tranh luận trước việc thân chủ bị đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng thời điểm 2008-2011 tình hình kinh tế khó khăn, đúng lúc đó ông Thăng được phân công thêm nhiệm vụ mới nên đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh thực tiễn ở thời điểm diễn ra vụ việc. Ông kể, khi tiếp xúc trong trại giam, ông Đinh La Thăng thường nói với ba luật sư rằng "vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, sự công tâm của cơ quan điều tra".
Theo luật sư, trong vụ án này ông Thăng có dấu hiệu của hành vi khác, trách nhiệm khác. "Trách nhiệm của ông Thăng là đã thiếu kiểm tra, giám sát nhưng tôi xin phép không xác định tội danh”, luật sư Hoài nói.
Luật sư Hoài cũng xin HĐXX xem xét giảm trách nhiệm hình sự cho ông Thăng vì những ngày tới có thể ông còn phải hầu toà trong vụ án PVN đầu tư 800 tỷ vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank).
Ông Thăng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm
Sau phần trình bày của ông Hoài, luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục bào chữa cho ông Thăng. Luật sư Thiệp cho rằng ông Thăng và các thành viên Hội đồng thành viên PVN có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng thành viên tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Chiếu theo các quy định của pháp luật, việc này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm.
Ông Thiệp đề nghị VKS tranh luận căn cứ chứng minh có chỉ đạo của ông Thăng với việc chỉ định thầu; ký hợp đồng EPC số 33; tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho tổng thầu PVC trái quy định; căn cứ để xác định khoản lãi được coi là hậu quả của vụ án; các căn cứ để xác định thiệt hại.
Theo ông Thiệp, trước khi khởi tố vụ án, số tiền tạm ứng đã được thu hồi hết phần gốc. Đến ngày hôm nay, số tiền thu hồi cao hơn số tiền tạm ứng là hơn 120 tỷ đồng. “Khi đã thu được cao hơn số tiền ứng ra thì tiền này là tiền gì, nếu xác định vẫn bị mất lãi?”, ông Thiệp đặt câu hỏi với cơ quan công tố.
Trình HĐXX ý kiến một số người dân liệt kê những việc ông Thăng đã làm qua các cương vị lãnh đạo và đánh giá ông là người thế nào, luật sư Thiệp nói đây không phải là chứng cứ nhưng vẫn muốn được toà xem xét.
Là người bào chữa thứ ba, luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng HĐXX cần phân định rõ ràng ai là người làm trái giữa người ra chủ trương và người thực hiện. Theo luật sư, chủ trương của PVN là đúng, còn thực hiện để đi đến phê duyệt thầu thì không phải trách nhiệm của PVN mà thuộc về PVC.
Luật sư: Có kịch bản khi quy kết ông Thanh tham ô
Là một trong năm người bào chữa cho cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc thân chủ bị quy kết cố ý làm trái với mức thiệt hại lên tới 119 tỷ là không thỏa đáng. Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng điều 25 Bộ luật 1999 miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế.
18h, bào chữa sang tội danh thứ hai của ông Thanh, luật sư nói lời khai của các bị cáo đều không chứng minh được ông Thanh là đồng phạm của việc tham ô 13 tỷ đồng tại Ban điều hành dự án Nhiệt điện Vũng Áng. "Toàn bộ chứng cứ rất kỳ lạ", ông Thiệp nói và cho rằng hậu quả xảy ra có rồi, nhưng quá trình chuẩn bị tài sản, dòng tiền chuyển bị mâu thuẫn bởi lời khai của các bị cáo.
Luật sư nói đã tìm được chứng cứ ngoại phạm cho thân chủ, bởi lái xe của Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC, phụ trách dự án Vũng Áng) chỉ áng chừng cọc tiền rút ra, rồi áng chừng lượng tiền đưa cho lái xe của ông Thanh. "Vậy lời khai nói ông Thanh nhận 4 tỷ đồng tham ô là không có căn cứ pháp lý. Đây là kịch bản không hoàn hảo", luật sư nêu quan điểm.
Sáng mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.