Phiên xử bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và đồng phạm, ngày 24/5, về sai phạm gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ của ngân hàng này tiếp tục với phần tranh luận của luật sư.
Tham gia bào chữa đầu tiên, các luật sư của bà Phấn đều có chung quan điểm, vụ án có nhiều vi phạm tố tụng và nội dung chưa được làm rõ, đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
HĐXX không khách quan
Luật sư Trương Vĩnh Thủy (một trong 5 người bảo vệ bà Phấn) cho biết, ngay trong phần làm thủ tục, tòa nhận định việc bà Phấn vắng mặt "không gây trở ngại cho việc xét xử" là vi phạm Điều 290 Bộ luật TTHS 2015 - quy định bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trước khi bị khởi tố bà Phấn phải nhập viện và điều trị cho đến nay. Sức khỏe của bà ngày càng xấu nên quá trình điều tra, điều tra viên không thể hỏi cung. Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y TP HCM, bà Phấn là bị mất 93% sức khỏe. Do đó, bà không thuộc trường hợp được xét xử vắng mặt.
Luật sư Thủy cũng cho rằng, tháng 9/2016, HĐXX vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã ra quyết định khởi tố vụ án về sai phạm của bà Phấn và một số người liên quan. HĐXX bà Phấn lần này có đến 3/5 thành viên thuộc HĐXX đó là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, không đảm bảo tính khách quan, vô tư.
Vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra
Luật sư Trương Thị Minh Thơ thì cho rằng, quá trình điều tra có nhiều vi phạm. Cụ thể, trong bản giải trình ghi ngày 16/11/2015 của ông Nguyễn Văn Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), ông Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc Công ty Phương Trang) tường trình lại sự việc diễn biến, các điều tra viên đã làm việc với nội dung biên bản và tờ tường trình sinh đôi - tức giống nhau tuyệt đối, chỉ tên người là khác.
Biên bản làm việc với ông Phạm Trọng Hiển, Nguyễn Thanh Việt (người liên quan) có nội dung giống như bản tường trình của ông Quan, không thể hiện được ý chí của những người này, không đảm bảo tính khách quan. Có bút lục thể hiện VKS, điều tra viên và kiểm sát viên cùng lấy lời khai 2 người trong cùng một giờ, một ngày... Tại tòa, luật sư yêu cầu HĐXX triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên nhưng không được chấp nhận. Điều này sẽ không đảm bảo việc luận tội các bị cáo được khách quan.
Ngoài ra, theo bà Thơ, nhóm Phương Trang cho rằng bị bà Phấn lợi dụng nhưng kết luận điều tra và cáo trạng chỉ khẳng định mối quan hệ giữa Phương Trang với ngân hàng Đại Tín, không có nội dung liên quan bà Phấn. Nhưng trên thực tế Phương Trang có mối quan hệ vay mượn với bà Phấn, trong đó ông Quan vay bà Phấn 400.000 USD, đến dự sinh nhật tặng hoa, quà cho bà Phấn…
Còn luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, trước khi ban hành quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra chưa cho đối chất để xác định sự thật khách quan của vụ việc. Vì theo quy định, trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai của 2 hay nhiều người thì điều tra viên phải đối chất. Tuy nhiên, hiện tại, các khoản tiền vay mượn giữa nhóm Phương Trang và nhóm Phú Mỹ, các khoản tiền Công ty Phương Trang vay, ký hợp đồng và khế ước nhận nợ, thanh toán nợ, hoặc ký ủy nhiệm chi cho nhóm Phú Mỹ trả nợ thay cho Công ty Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín… còn rất nhiều mâu thuẫn.
"Cơ quan điều tra chưa từng cho đối chất giữa hai nhóm này, chưa xác định được sự thật khách quan của vụ án mà đã quy chụp bà Phấn 'chỉ đạo nhân viên Đại Tín thu chi khống, đẩy nợ khống cho Phương Trang' là không có căn cứ, vi phạm thủ tục tố tụng, có thể gây oan sai cho bà Phấn", luật sư Tám nêu quan điểm.
Đề nghị giám định băng ghi âm
Luật sư Thơ cũng đề nghị VKS phải cho giám định lại đoạn băng ghi âm - được cho là chứng cứ mới bà cung cấp tại tòa hôm 16/5. Nội dung đoạn băng ghi âm dài 2 tiếng về cuộc nói chuyện giữa bà Phấn, ông Quan, ông Luận và ông Trịnh Thanh Cao đã được bà ghi chép ra 48 trang nhưng VKS không xem xét thấu đáo.
Trong đoạn băng ghi âm, ông Luận nói nhiều nhất, lúc đề cập đến số tiền 9.000 tỷ đồng, lúc 10.000 tỷ. Về chiếc xe Maybach, VKS cho rằng bà Phấn chiếm giữ chiếc xe này là trái pháp luật phải trả lại nhưng trong ghi âm có nhắc đến việc đưa xe và giấy tờ cho bà Phấn chuyển về Long An để dùng. Theo đó, trong mối quan hệ này, chiếc xe là của bà Phấn.
Luật sư Thơ cũng cho rằng, việc giám định đoạn băng ghi âm còn để làm rõ nhiều nội dung liên quan. Người đàn ông tên Cao trong đoạn băng ghi âm được bà Phấn cho biết là công an, nên cần điều tra mối quan hệ giữa ông Cao, ông Luận trong việc cản trở quá trình điều tra của Ngân hàng Nhà nước và vụ án.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Phấn và đồng phạm bị cáo buộc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán lại cho Đại Tín chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống vay hơn 5.256 tỷ đồng của nhà băng sau đó đẩy nợ cho Công ty Phương Trang.
Với vai trò là người cầm đầu, bà bị đề nghị mức án 30 năm tù về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hải Duyên