*Clip: Lê Văn Luyện nói lời sau cùng |
Sau 6 tiếng xét xử liên tục không nghỉ, 13h hôm nay trong lời nói sau cùng, bị cáo Luyện giọng run run xin lỗi gia đình bị hại, xin lỗi gia đình và người thân vì hành vi phạm tội của mình. Luyện xin được nhận mức án cao nhất. Nhưng cuối cùng vẫn bày tỏ hy vọng được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình. Các bị cáo khác cũng xin giảm nhẹ hình phạt.
Luyện trông khá mệt mỏi trong ngày hầu tòa thứ 2. Ảnh: Hà Anh |
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Lời khai của Luyện phù hợp với lời khai của các nhân chứng, khám nghiệm hiện trường và các vật chứng liên quan. Cơ quan công tố đủ cơ sở để khẳng định Luyện gây án một mình.. Cả khán phòng chật kín người nhưng im phăng phắc nghe quan điểm của VKS. Luyện thở dài, nét mặt căng thẳng.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Luyện 18 năm tù về tội giết người, 18 năm cướp tài sản và 6-9 tháng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt cho 3 tội là 18 năm tù. Theo cơ quan tố tụng, hành vi phạm tội của Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo chưa từng có từ trước tới này. Do khi gây án bị cáo đang ở tuổi vị thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày), nên tổng hợp các hình phạt sẽ không quá 18 năm
Đại diện VKS đọc luận tội. Ảnh: Hà Anh. |
Trong nhóm "che giấu tội phạm", bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) bị VKS đề nghị phạt 42-46 tháng tù; bị cáo Trương Thanh Hồng 24-30 tháng; Lê Thị Định 18-24 tháng. Lê Thành Nghi 15-18 tháng tù treo. Hai bị cáo "không tố giác tội phạm" là Trương Văn Hợp 15-18 tháng; Dương Thị Lược 9-12 tháng treo. Ông Miên bị VKS cho rằng là người tích cực nhất che giấu hành vi phạm tội của con trai, Các bị cáo còn lại không có tình tiết tăng nặng mà chỉ có tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, riêng Nghi do đưa Luyện về Việt Nam nên được xem xét nhiều nhất.
Sau phần luận tội của đại diện VKS, dưới khán phòng nhiều tiếng phản đối về mức án với Luyện đã vang lên, có người đang lớn tiếng đòi phải "tử hình". Chủ tọa yêu cầu: "Những người có mặt cần tôn trọng nội quy phiên tòa Nếu ai vi phạm tôi yêu cầu ra khỏi phòng". Khoảng 40 cảnh sát phải căng mình để ổn định trật tự. Sau khoảng một phút, phòng xử đã yên tĩnh trở lại.
Luyện nghe VKS luận tội. Ảnh: Hà Anh. |
Phiên tòa "nóng" lên khi các luật sư nêu quan điểm về vụ án. Luật sư Phạm Xuân Anh (bào chữa cho Luyện) đồng ý với buộc tội của VKS. Ông nhận thấy: “Hành vi của bị cáo là vô cùng dã man, tàn bạo. Tôi xin chia sẻ với nỗi đau của gia đình bị hại”.
Ông chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc gây án như Luyện được nuông chiều, gia đình buông lỏng, vô trách nhiệm.... Người thứ hai bào chữa cho Luyện là luật sư Nguyễn Bá Ngọc cũng cho rằng, dù dư luận có mong muốn tử hình Luyện nhưng luật đã quy định rồi nên cả VKS, TAND cũng không thể làm trái được. Ông đồng tình với cáo trạng truy tố. “Đã có trường hợp phạm tội như Luyện dưới 18 tuổi đã bị tuyên án tử hình trước năm 1985. Tuy nhiên sau đó, luật pháp VN đã quy định rõ và không còn thực hiện điều này”, ông Ngọc đưa ra lý lẽ.
Là người bảo vệ cho gia đình nạn nhân, luật sư Trần Chí Thanh cho rằng cáo trạng không nêu chính xác thời điểm Luyện gây án. Ông nghi ngờ "có hay không hành vi giúp sức của Hồng cho Luyện thực hiện hành vi phạm tội?".
Theo luật sư, Luyện khai đã tự thực hiện hàng loạt các hành vi như tìm đường dây ngắt camera, ngắt chuông báo động... Nhưng với người học chưa hết cấp hai, liệu Luyện có làm được như vậy không?. "Tôi nghi ngờ có 2 người gây án", ông nói.
Luyện quay xuống nhìn bố khi các luật sư đang tranh luận. Ảnh: Hà Anh. |
Tiếp lời, luật sư Phạm Văn Huỳnh (bảo vệ gia đình nạn nhân) cho rằng đây là vụ án “kinh trời, động đất, đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng tình với quan điểm luận tội của đại diện VKS nhưng ông nhận thấy cơ quan này còn thiếu tinh thần trách nhiệm khi kiểm sát các hoạt động điều tra, khởi tố... Việc thực nghiệm hiện trường cần phải có bị cáo, nhân chứng và luật sư tham gia bảo vệ cho cả bị hại và bị cáo. Nhưng thực tế, các luật sư đều không được biết.
Đặc biệt, ông Huỳnh cho rằng cáo trạng bỏ lọt tình tiết truy tố với Luyện. Ông phân tích, trong vụ án, Luyện đã thực hiện hành vi "giết bằng chết, giết bằng hết". Cháu Bích sống sót là ngoài mong muốn của bị cáo... Luyện từng bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn công tác điều tra.
Do vậy, theo ông ngoài truy tố như cáo trạng, Luyện phải bị truy tố thêm thêm về các tình tiết tăng nặng được quy định tại điều 48 Bộ luật hình sự: "có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm", và "cố tình thực hiện tội phạm đến cùng".
Ông Huỳnh cũng đồng ý về việc truy tố các bị cáo khác về hành vi che giấu, không tố giác tội phạm nhưng cần phải nêu cụ thể là che giấu cho tội danh giết người hay cướp tài sản của Luyện.
Trong lúc các luật sư trình bày, khán phòng im phăng phắc. Ở ngoài cổng tòa án, trong trời mưa, giá rét nhiều người vẫn túm tụm chăm chú lắng nghe tiếng loa phát ra từ phòng xử.
Hàng rào cảnh sát dày đặc sau lưng Luyện khi người nhà nạn nhân hỗn loạn trong khán phòng đòi tử hình kẻ sát nhân. Ảnh: Hà Anh. |
Cuối phần trình bày, luật sư Thanh đề nghị tòa xem xét về việc cháu Bích cho rằng đã nhìn thấy "hai thanh niên tóc xanh tóc đỏ" gây án cho bố mẹ mình. Chủ tọa công bố lời khai của bé Bích khi được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức có nói đến việc hai thanh niên đi chân đất. Cô bé bảo thấy có "chú cao to, còn có chú thấp bé có đuôi tóc". Cả hai người này, Bích đều không quen, cháu không nhận ra được vì trời tối.
Tài liệu công bố tại phiên tòa hôm này cũng thể hiện, cơ quan điều tra cho cháu Bích nhận dạng những bức ảnh của nghi phạm. Bích cho rằng một trong số này giống người "thanh niên cao to". Trong lần tiếp xúc thứ hai với điều tra viên khi sức khỏe đã khá hơn, Bích nói chỉ biết "chính xác có một chú giật điện thoại trên tay cháu. Cháu chỉ có cảm giác có một người khác trong nhà cháu. Khi tỉnh dậy, cháu vẫn thấy chú thanh niên này. Cô bé còn nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng dao rơi".
Khi đến lượt trình bày, đại diện cho gia đình bị hại, ông Trịnh Văn Tín (bố của chủ tiệm vàng Trịnh Văn Ngọc) thắc mắc, ngoài các vết thương do vết dao phớ, dao bấm thì trên người nạn nhân còn có vết hình móng ngựa. "Nó là do hung khí gì, tôi chưa thấy cơ quan chức năng nào đề cập đến việc này", ông bức xúc.
Đại diện VKS trả lời, vết thương có hình móng ngựa là do vết thương vật sắc và sắc nhọn gây nên. Trước nghi ngờ của luật sư về việc còn đồng phạm trong vụ án, VKS nhấn mạnh: "Một lần nữa, chúng tôi khẳng định đủ căn cứ về việc Luyện gây án một mình. Đến thời điểm hiện này chưa có gì chứng minh có đồng phạm với Luyện".
Dù đã quá 12h, phiên tòa vẫn tiếp tục làm việc. Khán phòng đang im lặng bỗng rộ lên khi nghe đại diện VKS bác đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của luật sư phía bị hại. Vị kiểm sát viên cho rằng hồ sơ vụ án và nội dung buộc tội các bị cáo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Luyện được đưa vào phòng xử sáng nay. Ảnh: Hà Anh. |
* Clip gia đình nạn phẫn nộ trong phiên xử Luyện |
Sáng nay, 10 phút trước phiên xử, khi Luyện được hàng chục cảnh sát dẫn giải vào phòng xử, người nhà nạn nhân bỗng ào lên đưa di ảnh của cháu bé 18 tháng tuổi bị sát hại trước mặt bị cáo.
Khoảng 20 cảnh sát phải nhanh chóng đưa Luyện chạy ra một phòng khác né tránh. Khi tình hình ổn định, sát thủ mới tiếp tục được đưa vào phòng.
Ít phút sau, trả lời thẩm vấn với thái độ mệt mỏi, Luyện khai đột nhập tiệm Ngọc Bích để "để giết và cướp của". Song anh ta không vơ hết số vàng trong 3 khoang tủ trưng bày mà chỉ lấy một phần do "lúc đó trời sáng, sức khỏe đã yếu, không cậy được?”. Còn việc sát hại bé gái 18 tháng tuổi là do sợ: “Bé khóc, sợ lộ”.
* Lê Văn Luyện được dẫn giải bằng lối đi riêng (Ngoisao.net) |
Nhóm phóng viên