Thời gian trôi qua trong căng thẳng, Nguyễn Thị Thùy Trang (17 tuổi) cứ nhấp nhổm trước vành móng ngựa mà tòa thì vẫn đang xử vụ án khác. Ngoài hiên, trên chiếc ghế salon màu mận chín, đứa trẻ bỗng giật mình khóc thét khiến cô gái chồm người dợm đứng dậy nhưng lại lật đật ngồi xuống ngay. Ngước ánh mắt cầu cứu về phía người công an đứng tuổi, cô được ông cho phép bước ra ngoài.
Ẵm vội con lên tay, Trang áp má con bé vào mặt mình khẽ vỗ về nhưng nó không chịu nín. Lúng túng nhìn quanh, sau một lúc ngượng ngùng, cô gái trẻ kéo áo, ấn bầu vú vào miệng con. Ngấu nghiến ghì vú mẹ, con bé thiêm thiếp ngủ. Chứng kiến cảnh ấy, không ai có thể nghĩ cô gái trẻ kia chính là bị cáo trong một vụ giết người nghiêm trọng. Và hôm nay mẹ con cô có mặt ở đây để xin giảm án cho hành vi phạm tội của mình.
Từ phòng xử, đôi vợ chồng già trong bộ quần áo bạc màu cũng lặng lẽ bước ra ngoài nhìn mẹ con Trang đầy thương cảm. Tựa lưng vào thành cầu thang, người đàn ông cho biết họ là cha mẹ của nạn nhân trong vụ án - một cô gái cũng chỉ nhỉnh hơn Trang vài tuổi. Từ rạng sáng, họ đã vượt gần 80 km để đến đây xin tòa giảm án cho kẻ đã gây ra cái chết cho con mình.
“Tôi nghĩ đó là điều mình nên làm vào lúc này như là cách để xoa dịu nỗi đau mất con. Trang là hung thủ giết con tôi nhưng hãy nhìn vào hoàn cảnh mẹ con nó để mà thông cảm. Tôi biết rất rõ gia đình Trang, nó phải vào đời khi nhân cách chưa kịp hình thành, giống như một bông hoa dại lạc lõng giữa đường. Mức án 8 năm mà tòa sơ thẩm đã tuyên không phải là quá nghiêm khắc, nhưng ‘nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại’, tôi rất thương con bé nên sẽ cố xin tòa giảm thêm cho nó”, người đàn ông nói.
Đứng cạnh bên, vợ ông buông tiếng thở dài: “Con chết, tôi rất đau lòng nhưng không vì thế mà tôi căm thù Trang. Lần đầu gặp, nó nắm lấy tay tôi khóc sướt mướt xin tha tội. Tôi tin nó hối hận thực sự bởi nó và con tôi chẳng có mâu thuẫn gì. Lần đó, nhìn nó bị còng tay trước vành móng ngựa trong khi đứa con khóc ngằn ngặt bên ngoài tôi đã không cầm được nước mắt. Nếu giúp gì được cho mẹ con nó tôi sẵn sàng làm vì như thế tôi thấy thanh thản hơn”.
Trên ghế salon, khẽ vuốt những sợi tóc lưa thưa lấm tấm mồ hôi của con, Trang nghẹn giọng kể về cuộc đời mình. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngay từ khi còn bé, cô đã ý thức được hoàn cảnh gia đình nên ngoài giờ học cô vẫn thường phụ giúp mẹ buôn bán lặt vặt. Khi mẹ mang thai em trai, cô chứng kiến cha mẹ xảy ra nhiều cuộc cãi vã hơn. Qua những mẩu đối thoại nảy lửa của bậc sinh thành, trong đầu óc non nớt của đứa con gái 13 tuổi đã linh cảm được gia đình mình sắp tan vỡ bởi bóng dáng một người đàn bà khác. Và điều đó đã xảy ra khi em trai cô chào đời, cha cô vì không chịu đựng nổi cảnh khốn khó đã đi theo người đàn bà ấy.
Phận em làm em chịu, nhưng cứ ân hận mãi vì đã để con chào đời trong hoàn cảnh thế này. Ảnh: Vũ Mai |
Không thể tiếp tục đến trường, 14 tuổi, Trang nghỉ học đi làm thuê để cùng mẹ chăm lo cuộc sống. Không đủ tuổi xin làm công nhân trong các cơ sở, cô gái trẻ đành chấp nhận làm chân chạy bàn tại một quán cà phê. Hơn một năm sau, khi cuộc sống tạm đi vào ổn định thì mẹ cô lâm bệnh nặng khiến cô phải nghỉ làm về chăm sóc. Rồi những đồng tiền dành dụm cuối cùng cũng tiêu hết, cô phải đến từng nhà người quen vay mượn để lo cho mẹ và em thơ. Thậm chí cô phải gõ cửa cả những nơi cho vay nặng lãi để có tiền thuốc thang cho mẹ. Đó cũng là lúc cô gặp Bình, cha của con gái cô.
“Anh ấy chỉ hơn em một tuổi nên cũng chẳng chững chạc gì. Thấy gia đình em gặp hoạn nạn, Bình đã trả nợ thay em bằng những đồng tiền làm thuê của anh ấy. Khi mẹ khỏi bệnh, Bình kêu em về nhà anh ấy ở, chờ đủ tuổi sẽ làm đám cưới nên em coi Bình như chồng của mình”, Trang nhỏ giọng, ánh nhìn hiu hắt.
Một giọt nước mắt bất ngờ rơi xuống trán con thơ… Cúi đầu giấu gương mặt đã nhòe nước từ lúc nào, Trang nói cô không ngờ cuộc đời mình lại đến nông nỗi này chỉ vì một phút thiếu kìm chế.
Cô kể, sau một thời gian ở nhà Bình, cả hai xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tại đây cô gặp lại người bạn gái đã có mâu thuẫn từ trước. Biết cô và Bình sắp làm đám cưới, người này đã cố tình chọc tức cô bằng cách lả lơi với Bình. Tối 14/10/2009, Trang lại thấy cô gái nói chuyện với “chồng” mình nên xông đến đánh nhưng được mọi người can ngăn. Một lúc sau, biết “tình địch” gọi điện kêu người nhà đến đánh mình, Trang kể cho hai người bạn thân nghe để nhờ họ nói lại với Bình còn mình tất tả về trước.
Vài giờ sau, Trang quay lại chỗ làm đón Bình thì phát hiện nhóm người nhà của “đối thủ” đang lăm lăm vũ khí bên đường. Được bạn đưa cho con dao để thủ thân và dẫn về, Trang phần nào yên tâm. Tuy nhiên, chỉ đi được một đoạn, Trang bị nhóm người kia đuổi theo hành hung. Trong lúc bị đánh xối xả, Trang rút dao đâm trúng ngực Thanh, một người quen của “tình địch”.
Nằm trên bàn cấp cứu, Trang điếng hồn khi được các chú công an thông báo nạn nhân đã chết. Cùng lúc, bác sĩ cũng cho cô gái biết mình đã có thai hai tháng. Kể từ đó, Trang bị bắt giam để phục vụ điều tra nên không thể gặp gỡ ai.
“Đó là quãng thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời em. Bao đêm thức trắng trong nhà giam lạnh lẽo, em cảm nhận rõ sự sống của một sinh lính bé nhỏ trong cơ thể mình cùng với nỗi ám ảnh về cái chết của Thanh cứ đeo bám. Nếu không vì con, nếu không được các cô chú công an động viên an ủi, em đã tìm đến cái chết. Ngày ra tòa lãnh án em mới gặp lại Bình, và đó cũng là lần duy nhất. Phận em làm em chịu, nhưng cứ ân hận mãi vì đã để con chào đời trong hoàn cảnh thế này”, Trang nghẹn lời.
Gần trưa phiên tòa phúc thẩm của Trang mới được mở. Tuy nhiên, do vắng mặt mẹ Trang (đại diện bị cáo chưa thành niên) nên HĐXX đành dời phiên xử vào một ngày khác. Nhìn dáng mẹ con Trang lủi thủi lên xe về trại, bố nạn nhân xót xa: “14 tuổi nghỉ học, 16 tuổi gây án, 17 tuổi phải làm mẹ khi đang phải chịu cảnh tù đày. Như thế là quá khổ cho một số kiếp con người. Lần sau tòa xử lại, tôi nhất định sẽ có mặt để xin giảm án cho con bé”.
Vũ Mai
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.