-
10h30
Chủ tọa kết thúc phần xét hỏi căn cước với 91 bị cáo và thông báo bị cáo vắng mặt duy nhất là Đặng Hà Thu. Bà Thu tại ngoại, bị truy tố về tội Đánh bạc.
Do lượng bị cáo đông, HĐXX đồng ý cho luật sư vắng mặt ở nội dung làm việc không liên quan đến mình và thân chủ.
Khi chủ toạ nói kết thúc vụ án sẽ công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của toà, ông Vĩnh đứng lên, đề nghị không công bố. Hơn 30 luật sư tham gia phiên tòa, không ai có ý kiến sau đó.
Trước tình huống trên, chủ toạ trả lời: "Chỉ cần một bị cáo từ chối thì sẽ không công bố".
Khép lại phiên làm việc buổi sáng, luật sư của ông Nguyễn Thanh Hoá đề nghị triệu tập đại diện của C50 (cũ) để làm rõ một số văn bản liên quan tới hành vi của bị cáo này. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết sẽ thực hiện nếu thấy cần thiết.
-
8h30
HĐXX bắt đầu kiểm tra căn cước của 91 bị cáo, người đầu tiên là Nguyễn Văn Dương, thứ hai là Phan Sào Nam.
Hai tay tỳ lên bục khai báo, Nam trả lời chậm rãi bằng giọng khàn khiến chủ tọa phải nhắc nói to. Trước mỗi câu trả lời, Nam đều bắt đầu bằng từ "dạ".
Ông Vĩnh hai tay chắp trước bụng khi khai báo lý lịch.
Ông Hóa hai tay dang rộng, chống hai bên.
-
8h00
Trước khi đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa yêu cầu cảnh sát tư pháp mở khóa tay cho ông Vĩnh và 6 người bị tạm giam.
Các bị cáo xếp thành 7 hàng trước bục khai báo, chăm chú lắng nghe. Ở vị trí hàng đầu có bị cáo: Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương.
Thư ký phiên tòa thông báo, một người vắng mặt nên số bị cáo còn 91.
62 người liên quan xin vắng mặt vì đã có lời khai. Bị hại duy nhất không đến tòa. 9 người làm chứng xin không tham gia, ba người vắng mặt không lý do. 31 luật sư có mặt.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa mỗi người có ba luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nguyễn Văn Dương mời 5 luật sư và Phan Sào Nam thuê ba người.
-
7h50
Nhóm bị cáo bị tạm giam lần lượt được đưa vào khu vực xét xử. Cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị dẫn giải bởi ba cảnh sát và ngồi hàng nghế đầu.
Ông Vĩnh mặc áo khoác tối màu, bên trong sơ mi trắng. Ngồi cách ông hai cảnh sát là Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC Online), tóc húi cua, tươi cười. Ngồi ngoài cùng hàng ghế là ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục cảnh sát C50).
-
7h30
Hàng ghế đầu tại khu vực dành cho bị cáo vẫn để trống, chờ dẫn giải ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đi vào. Các bị cáo được tại ngoại ngồi phía sau.
Khu vực xét xử rộng chừng 1.000 m2 nằm ở sân tòa, được bao bằng các tòa nhà nối với nhau hình chữ U. Lực lượng an ninh đứng dọc hai bên.
Những luật sư cuối cùng đi qua cửa kiểm tra để vào phiên tòa.
-
6h30
Cảnh sát cơ động đứng dọc từ cổng tòa vào đến sân. Hơn 80 bị cáo tại ngoại và trên 30 luật sư bắt đầu làm thủ tục với cán bộ tòa án, xếp hàng dài trước cửa kiểm tra an ninh.
Cảnh sát cơ động chia hai hàng đứng chốt, phía xa có xe cứu hỏa túc trực sẵn.
Sau cửa kiểm tra của cảnh sát cơ động với nhiều thiết bị an ninh, tại sân tòa, người tham dự phải xuất trình giấy triệu tập và chứng minh nhân dân để được đi tiếp vào trong.
Trước giờ khai mạc chừng 10 phút, 5 chiếc xe thùng chở 7 bị cáo tiến vào sân tòa, phía sau là ôtô cứu thương.
-
0h36
Ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) cùng 90 bị can bị đưa ra xét xử về sáu tội danh tại cả Bộ luật Hình sự 1999 và 2015, bao gồm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, Tổ chức đáh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hoá đơn, Lợi dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
Ông Vĩnh và Hóa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.
Hai chủ mưu Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam bị cáo buộc Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.
HĐXX dự kiến mời 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và ba điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).
Tối 11/11, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho ông Vĩnh) cho biết sức khoẻ của thân chủ ổn định, sẵn sàng tham gia phiên khai mạc. Tuy nhiên, ông Vĩnh vẫn cần đội ngũ y tế túc trực tại tòa bởi "tuổi cao, nhiều bệnh, không thể nói trước điều gì". Bà Trang mong phiên tòa diễn ra công khai, minh bạch, công bằng.
Luật sư Hoàng Hướng (bào chữa cho Phan Sào Nam) cho rằng tội Tổ chức đánh bạc không phải là tội đặc biệt nghiêm trọng nên mong thân chủ mình được xem xét mức phạt một cách nhân văn. Ông tin tưởng cơ quan tố tụng sẽ có những đánh giá đúng mức.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng cho biết, sức khỏe, tinh thần của thân chủ ông là Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, cựu chủ tịch CNC) không có gì bất thường. Đánh giá đây là phiên tòa lớn với những bị cáo từng là lãnh đạo ở nhiều cơ quan, luật sư Chiến mong HĐXX điều hành theo tinh thần cải cách tư pháp và đặc biệt thực hiện nguyên tắc tranh tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ bị phát hiện từ vụ lừa đảo 55 triệu đồng
Theo nhà chức trách, vụ án vỡ lở từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một con bạc qua mạng xã hội Facebook. Cụ thể, giữa tháng 5/2017, Lê Văn Huy (21 tuổi, quê Quảng Trị) bí tiền chơi bạc bèn lên mạng internet tìm cách chiếm quyền sử dụng tài khoản của người khác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huy tìm thấy tài khoản của một phụ nữ ở tỉnh Phú Thọ và chiếm quyền, lừa bạn của cô này mua 110 thẻ cào với số tiền 55 triệu đồng. Số thẻ này Huy dùng để chơi bạc trực tuyến ở trang web Rikvip/Tip.Club và cho bạn chơi cùng.
Khi hành vi lừa đảo của Huy bị phát giác, từ lời khai của bị can này, cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc qua mạng internet phủ sóng ở nhiều tỉnh, thành.
Theo cơ quan tố tụng, ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 10/10/2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 3/5/2012, Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và C50 "tạo điều kiện để CNC làm việc với đối tác... phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ".
Đầu năm 2016, ông Hóa trao đổi với ông Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho CNC thực hiện. Tuy nhiên để có điều kiện thực hiện, CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ.
Với tinh thần trên, Dương tiếp tục đề xuất để CNC triển khai mô hình cổng các trò chơi trực tuyến, thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo và ví điện tử của CNC. Thời điểm này, Dương đã ký hợp đồng với Công ty VTC Online của Phan Sào Nam về việc kinh doanh chơi game trực tuyến.
Ông Vĩnh biết hai công ty này liên kết vận hành game bài Rik.Vip với hình thức đánh bạc trá hình, song không báo cáo lãnh đạo, không chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh để xử lý...
Theo cơ quan công tố, CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ. CNC chỉ chuyển cho C50 số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virut.
Sau 27 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài mang các tên gọi RikVip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen, đường dây của Dương, Nam đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ để đổi tiền ảo ra tiền thật. Họ xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp một, gần 6.000 đại lý cấp hai để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Mạng lưới đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng doanh thu bất chính lên tới gần 10.000 tỷ đồng.