Ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiếp nhận vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình từ cơ quan điều tra của địa phương này.
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ngay sau đó đã khởi tố bị can, bắt và khám xét nơi ở của ông Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Mạnh Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy).
Hai người cùng bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015.
Trước đó, vụ án đã được Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố.
Trong chiều 3/8 trước việc hai cán bộ bị khởi tố, Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình nói ông cũng "chưa biết bao nhiêu bài thi bị can thiệp". Ông khẳng định Sở không che giấu vụ việc vì đã chủ động báo cáo với trưởng ban chỉ đạo thi, cơ quan công an, Bộ Giáo dục.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi. Kết quả điểm khi công bố đã khiến dư luận nghi ngờ khi có 24 người đạt điểm Toán từ 9 trở lên, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), tỉnh miền núi này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Rà soát lại quy trình chấm thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình khẳng định không phát hiện sai phạm.
Ngày 24/7, nghi vấn có dấu hiệu sai phạm, Bộ Giáo dục có công văn gửi Bộ Công an đề nghị điều tra. Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục bước đầu xác nhận có can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi điểm số, cụ thể là tăng điểm thi.
Ngày 30/7, Công an tỉnh Hòa Bình bắt đầu điều tra một số vấn đề liên quan đến chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2018. 5 cán bộ ở tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi tỉnh bị triệu tập.