Sáng 21/5, ngày thứ năm xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, phiên tòa chứ thể khép lại như kế hoạch mà tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ trách nhiệm dân sự.
Đại diện các gia đình nạn nhân còn đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội. Họ cho rằng, Lương là bác sĩ phụ trách chuyên môn chứ không liên quan đến vật tư, thiết bị y tế. Cho rằng tội danh của hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc khá rõ song các gia đình cũng mong HĐXX giảm án cho hai người này vì họ “còn trẻ tuổi”.
Đại diện tám gia đình nạn nhân cho hay, từ khi xảy ra sự cố họ mới nhận được 10 triệu đồng hỗ trợ từ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình; 20 triệu đồng tiền “thăm hỏi” của gia đình hai bị cáo Sơn và Quốc.
Ngoài những khoản bồi thường đã trình bày tại cơ quan điều tra, mỗi gia đình còn yêu cầu bồi thường thêm 148 triệu đồng tiền mua “lô đất” mai táng ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình). Họ cho rằng đây là “một sự kiện hy hữu” nên sẽ mua đất ở Lạc Hồng Viên và tập hợp hài cốt các nạn nhân về chung một chỗ như muốn "nhắc nhở ngành y tế về một sự cố y khoa hiếm thấy".
Video: Nguyễn Bắc
Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình mong gia đình các nạn nhân tha thứ
Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Đỗ Đình Vận (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, bệnh viện là đơn vị hành chính nhà nước có chức danh, hoạt động không dựa vào ngân sách nhà nước. Sự cố tai biến chạy thận là tổn thất lớn của bệnh viện nên “rất mong các gia đình nạn nhân tha thứ”.
Từ sau ngày 29/5/2017, lãnh đạo bệnh viện cũng nhiều lần thương lượng về mức hỗ trợ cho các nạn nhân song đều bất thành. Nguyên nhân là đông nạn nhân, phong tục tập quán khác nhau nên không tìm được tiếng nói chung. Khó khăn nữa là chưa có phán quyết của toà án và nguyên giám đốc Trương Quý Dương bị cách chức ngay sau khi xảy ra sự cố nên khó để thương thảo bồi thường.
Ông Vận cho biết thêm, Bệnh viện đa khoa Hoà Bình là cơ quan y tế không chuyên về thiết bị máy móc. Sự cố ngày là do nguồn nước trong quá trình sục rửa máy chứ không liên quan đến chuyên môn của cán bộ bệnh viện. Ông Vận mong muốn, HĐXX có phán xét đúng pháp luật về mức bồi thường dân sự và khẳng định “sẽ chấp hành nghiêm túc phán quyết”.
Tài liệu điều tra thể hiện, Công ty Thiên Sơn đã nộp 370 triệu đồng và Bệnh viện đa khoa Hoà Bình nộp 280 triệu đồng cho cơ quan thi hành án. Trả lời thẩm vấn trước toà chiều nay, đại diện hai cơ quan này khẳng định “nộp tiền để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân chứ không phải khắc phục hậu quả”.
Đại diện của Công ty Thiên Sơn khẳng định, hành vi đưa hệ thống lọc nước RO số 2 đi vào hoạt động mới là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. “Công ty chúng tôi không xác định mức bồi thường thiệt hại mà chỉ hỗ trợ ban đầu. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để gia đình các nạn nhân nhận được tiền sớm nhất”, vị đại diện nói.
Bảo về quyền lợi hợp pháp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tại toà, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng có sự mâu thuẫn trong việc hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân. Phòng kế toán của bệnh viện báo cáo đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 20 triệu đồng song tại toà những người này lại khai mới nhận được 10 triệu đồng.
Ông Huế đang trình bày thì bị HĐXX ngắt lời và nói rằng, mọi bằng chứng để ở phần tranh luận sau.
Đồng loạt yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần bằng 100 tháng lương cơ sở
Đại diện gia đình nạn nhân thứ 9 giải thích tại toà rằng, gia đình họ phải chịu nhiều chi phí hơn các nhà khác bởi nạn nhân mất sau gần 7 tháng. Sau khi liệt kê các khoản bồi thường, HĐXX yêu cầu đại diện gia đình này cung cấp toàn bộ những giấy tờ, phiếu mua bán liên quan. Những khoản tiền không có hoá đơn, HĐXX cho biết sẽ xem xét và cân nhắc theo tình hình thực tế.
Đại diện cho nạn nhân Lê Thị Chung, ông Phạm Ngọc Thạo cho hay chỉ yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hoà Bình bồi thường tổn thất tinh thần 100 tháng lương cơ sở (khoảng 130 triệu đồng) theo điều 591 Bộ luật dân sự và 111 triệu đồng tiền tổ chức mai táng. Gia đình ông đã nhận tiền “thắp hương” của Sơn và Quốc mỗi người 10 triệu đồng nên không yêu cầu gì thêm ở hai người này.
Trình bày với tư cách là “người đại diện”, ông Thạo cho hay, mỗi gia đình nạn nhân đã hứa thưởng cho luật sư 35 triệu đồng. Bởi vậy, họ yêu cầu phía bị đơn dân sự là Bệnh viện đa khoa Hoà Bình phải bồi thường thêm khoản tiền này.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh) cho hay, mẹ chị bị suy thận, lọc máu gần chục năm nay ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Sáng 29/5/2017, chở mẹ đến bệnh viện nằm ổn định xong, cậu em đi làm và đến 9h thì cả ba chị em Tuyết nhận được tin xấu. 15h cùng ngày, bác sĩ thông báo mẹ chị đã chết.
Trả lời trước toà, chị Tuyết yêu cầu phía bệnh viện bồi thường chi phí mai táng 148 triệu đồng, tổn thất tinh thần 100 tháng lương cơ sở (khoảng 130 triệu đồng). Gia đình chị trước đó yêu cầu bồi thường 35 triệu đồng để “thưởng cho luật sư bào chữa”. Đến nay, chị Tuyết xin rút lại khoản này.
Ngoài số tiền mua đất xây mộ cùng các gia đình nạn nhân khác, bà Bùi Thị Căm (vợ nạn nhân Bùi Văn Pơi) cho biết, gia đình yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình bồi thường 120 triệu đồng chi phí mai táng trước đó, 100 tháng lương cơ sở (khoảng 130 triệu đồng) về tổn thất tinh thần.
Đại diện gia đình nạn nhân Bùi Văn Huyển không thống kê được các khoản chi tiết tiền bồi thường nên đề nghị HĐXX công bố. Theo thông báo của HĐXX, nhà anh Huyển yêu cầu bồi thường tiền mua quan tài, bức trướng, thuê kèn đám ma, làm cỗ ăn ba ngày... với tổng chi phí là 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, người đại diện cho ông Huyển còn yêu cầu bồi thường thêm 7 triệu đồng tiền “làm cỗ 49 và 100 ngày”. Khi HĐXX yêu cầu liệt kê các khoản chi phí cụ thể, người đại diện cho rằng số tiền này để mua lợn, giò, gà, gạo...
Ông Đinh Văn Tính (bố nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) trả lời trước toà rằng, con gái ông mắc bệnh nhưng không chết vì bệnh mà chết vì thiết bị lọc máu của bệnh viện. 10 ngày sau khi xảy ra sự cố bệnh viện vẫn “bặt vô âm tín”. Ngày 9/6/2017, ông cùng các gia đình nạn nhân tập trung đến viện để yêu cầu làm rõ song đã rất bức xúc khi lãnh đạo bệnh viện nói “không mời tại sao đến đây làm gì?”.
Bên lề phiên toà, đại diện nhiều gia đình nạn nhân nói, "thất vọng về lãnh đạo bệnh viện" khi cố tình lẩn tránh bồi thường. Họ mong muốn được đối chất cùng nguyên giám đốc Trương Quý Dương để làm rõ các uẩn khúc.
Trả lời VnExpress trước đó, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Lê Xuân Hoàng cho biết, do chưa đạt được thoả thuận cuối cùng về việc bồi thường giữa phía bệnh viện và gia đình bệnh nhân sau ca tai biến, bệnh viện sẽ chờ phán quyết của toà. Trong vụ án này, bệnh viện tham gia với tư cách bị đơn dân sự.
Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Nhà chức trách cáo buộc, với trách nhiệm được giao, bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết nước lọc máu có đảm bảo chất lượng theo quy trình hay không. Nhưng ngày 29/5/2017, Lương không kiểm tra hệ thống nước mà đã ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến tai biến. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Đây là nguyên nhân chính làm chết 9 người. Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. |