Tối 28/11, trong căn phòng ở khu tập thể ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chị Hoa cho hay vừa bị đánh cắp toàn bộ giấy tờ, trong đó có chứng minh thư, thẻ ATM... Mọi rắc rối xuất phát từ khi chị cầm chứng minh thư theo mẫu mới (vừa xin cấp lại) đi giao dịch với nhiều cơ quan.
Chị Hoa phải đến nhiều nơi để giải quyết giấy tờ khi sử dụng chứng minh thư 12 số. Ảnh: Hà Anh. |
Ngày 27/11, chị cầm sổ đỏ đến một ngân hàng trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội làm thủ tục thế chấp vay tiền. Chị bị nhân viên ở đây từ chối phục vụ với lý do: Sổ đỏ ghi chứng minh thư có 9 con số, trong khi chứng minh thư chị đang sử dụng lại là 12.
"Nhân viên ngân hàng bảo tôi phải mang sổ đỏ đến Phòng tài nguyên môi trường quận Cầu Giấy để khớp lại với dãy số mới thì mới giải quyết", chị nói.
Nghe theo hướng dẫn, người phụ nữ 31 tuổi tiếp tục cầm sổ đỏ đến Phòng tài nguyên môi trường. Một cán bộ ở đây cho rằng để đính chính số chứng minh thư cũ và mới là của một người, chị phải đến UBND phường sở tại xin xác nhận. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như chị nghĩ.
"Chiều hôm đó, tôi loay hoay cả tiếng ở nhà để làm đơn xác nhận. Mang đến, cán bộ phường không chấp nhận, họ bắt phải điền vào giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất hoặc hộ khẩu. Thấy giấy tờ loằng ngoằng và phức tạp quá tôi bỏ về...", chị Hoa than.
Để công việc diễn ra theo đúng kế hoạch, một ngày sau, chị Hoa tiếp tục cầm sổ hộ khẩu (ghi chứng minh thư 9 số) đến Công an huyện Từ Liêm với hy vọng sẽ được nhà chức trách xác nhận cho 2 dãy số chứng minh thư là của một người. Tuy nhiên, để làm được việc này chị Hoa cho biết được hẹn 10 ngày sau mới có kết quả.
Hai ngày chạy đôn chạy đáo nhiều cửa, vợ chồng chị Hoa cho hay cuối cùng cũng được công an phường sở tại xác nhận 2 số chứng minh thư đó cùng là của một người. Vui mừng có kết quả ban đầu, song chị Hoa không khỏi lo lắng khi sau này phải mang chứng minh thư mới đi làm các giao dịch khác. Vì thế, ngày 28/11 chị đã dán thông báo tại nhiều nơi về việc mất chứng minh thư (9 số) để hy vọng ai đó sẽ mang trả lại.
Người phụ nữ với dáng người nhỏ bé cho biết thêm, ngoài rắc rối chuyện thế chấp sổ đỏ, chị cũng gặp những phiền toái khi làm lại thẻ ATM từ một ngân hàng khác. "Tôi đến một chi nhánh gần nhà để xin cấp lại, nhưng họ nói hai dãy số trên chứng minh nhân dân khác nhau nên phải quay về chi nhánh đăng ký cấp thẻ để sửa lại số liệu trong hồ sơ lưu", chị kể. Không chỉ khó khăn khi rút tiền mà giờ việc gửi tiền vào tài khoản của mình, chị cũng bị từ chối khi sử dụng chứng minh thư mẫu mới.
Mẫu chứng minh thư cũ (trái) và mới (phải). Ảnh: Hà Anh. |
Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Trần Văn Vệ (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an) đánh giá, theo phản ánh của chị Hoa thì "phía ngân hàng không khác gì đang hành dân".
Tướng Vệ cho hay, trước khi việc cấp chứng minh thư mới được triển khai tại khu vực Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm (Hà Nội), Tổng cục đã có thông báo đến các cơ quan về dãy số trong chứng minh nhân nhân mới. "Chúng tôi nêu rõ việc chứng minh thư mới (12 số) và chứng minh thư cũ (9 số) đều có giá trị sử dụng như nhau", ông Vệ khẳng định.
Tướng Vệ cho biết thêm, sau một tháng thực hiện thí điểm, thấy những phát sinh người dân có thể gặp khó khăn khi đi giao dịch, Tổng cục đã gửi công văn đến nhiều nơi đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Năm 2012-2013, Bộ Công an sẽ triển khai cấp đổi chứng minh thư mới ở Hà Nội và 4 tỉnh phía Bắc là Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng.
Hà Anh
* Bạn gặp rắc rối, hãy chia sẻ tại đây