Ngày thẩm vấn thứ hai của phiên phúc thẩm xét kháng cáo vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), HĐXX TAND Cấp cao tập trung làm rõ hành vi tham ô 13 tỷ đồng của cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.
TAND Hà Nội xác định, tháng 7/2011, ông Nguyễn Anh Minh (khi đó là Phó tổng giám đốc PVC) được phân công phụ trách Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh). Các ông Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC) giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch) chuyển tiền để sử dụng.
Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/2/2012, ông Lương Văn Hòa cùng với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký bốn hợp đồng khống thuê công ty này thi công các hạng mục để rút tổng số hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.
Trong 13 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng, ông Vũ Đức Thuận nhận 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh được chia 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển nhận 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa nhận 757 triệu đồng. Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển sử dụng chung.
Ở phiên tòa sơ thẩm, ông Trịnh Xuân Thanh khi đối chất với các thuộc cấp đã phủ nhận có chủ trương chuyển tiền từ ban điều hành dự án để đi lễ tết. Ông Thanh khi đó còn nhiều lần nói coi bị cáo Minh như anh em ruột. "Minh từng hỏi có cần tiền tiêu Tết không và bị cáo nói: Tao chẳng cho mày tiền thì thôi", một lời đối chất của ông Thanh ở phiên xử sơ thẩm.
Tuy nhiên, sáng nay, một lần nữa, các bị cáo dưới quyền ông Thanh đều cho rằng có những việc làm vi phạm pháp luật là do ‘thừa lệnh cấp trên’.
Bị cáo Lương Văn Hòa (cựu giám đốc ban điều hành dự án) khai được ông Minh chỉ đạo lo tiền để chuẩn bị lễ khởi công dự án Quảng Trạch với lời nhắn ‘cứ lấy đại trong quỹ ra rồi hoàn lại sau’. Những khoản tiền khác sau đó đều được ‘rút ra’ trên tinh thần như vậy.
Nam bị cáo còn khai được chỉ đạo ‘vẽ’ ra dự án cần thi công sau đó lập hồ sơ khống. “Sau đó bị cáo lập ra các hạng mục công việc và được Minh đồng ý, phê duyệt mới làm”, Hòa trình bày và chỉ xin được giảm án.
Bị cáo Minh khai "chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo cấp trên là anh Thanh, Thuận". Nhiều lần nhắc lại việc "xin chịu trách nhiệm thay cấp dưới" ở hành vi tham ô, nhưng ông Minh cũng xin giảm nhẹ hình phạt.
“Một thời gian dài trong trại giam bị cáo rất buồn, nặng nề. Trong tâm của bị cáo không muốn làm nặng nề thêm cho các bị cáo khác”, ông Minh khai và cho hay vẫn nhớ như in cuộc điện thoại của ông Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo mình chuyển 5 tỷ đồng để đối ngoại dịp Tết.
Cựu chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển khi trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cũng giữ nguyên quan điểm ở cấp sơ thẩm, cho rằng mình chỉ là đầu mối nhận tiền. Bị cáo này khai không biết nguồn tiền chuyển về từ đâu, do đâu mà có. Việc chuyển sử dụng tiền cũng theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cao nhất ở PVC.
Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực kêu oan
Ông Thực bị tuyên phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) trong việc ký hợp đồng thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC khi chưa đủ điều kiện gây thiệt hại 119 tỷ đồng.
Chiều 8/5, ông trình bày kháng cáo kêu oan cho rằng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vai trò của ông rất hạn chế do sự phân cấp tại PVN. "Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo với vai trò như Tổng giám đốc dự án”, ông nói.
Ông Thực cho rằng với quy mô doanh nghiệp lớn lại hoạt động đa ngành nghề, Tổng giám đốc PVN chỉ điều hành chung và đã phân công lĩnh vực cho ba tổng giám đốc phụ trách dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Cụ thể, về điện là ông Nguyễn Quốc Khánh, về tài chính là cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, phụ trách cơ sở hạ tầng là phó tổng giám đốc Thu Hà.
Ông Thực khẳng định không chỉ đạo PVPower ký hợp đồng 33 (hợp đồng tổng thầu EPC thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2). Trước ngày 26/12/2011, ông không biết Hợp đồng 33 không có căn cứ pháp lý, không được phép thi hành. Ông Thực khẳng định không có vai trò gì trong việc PVN tạm ứng cho PVC... Khép lại phần trình bày, ông nói nói nhiều chứng cứ gỡ tội cho mình chưa được cấp sơ thẩm thu thập đánh giá toàn diện. Ông bị khởi tố hôm trước, hôm sau vụ án đã có kết luận điều tra.
Cũng trong chiều 8/5, các ông Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Huy Quang (cựu tổng giám đốc PVPower), Vũ Hồng Chương đều đối chất với ông Thực.
Trong khi ông Thực cho rằng các văn bản gửi từ dưới lên nếu liên quan tới chuyên môn của ai thì chuyển thẳng tới người đó, ông Nguyễn Quốc Khánh lại cho rằng ‘chúng’ được gửi tới Tổng giám đốc PVN.
Ông Thực khai chỉ ký quyết định cho đoàn công tác sang Trung Quốc học kinh nghiệm về chuyển đổi kỹ thuật trong xây dựng nhiệt điện. Đoàn khi về thì không báo cáo ông mà báo cáo Chủ tịch PVN. Còn ông Khánh lại nói việc báo cáo này công khai, lãnh đạo PVN nào cũng biết.
Cấp sơ thẩm xác định 10 bị cáo tham gia "rút ruột dự án" phạm tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999), phạt ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân; Vũ Đức Thuận 15 năm; Nguyễn Anh Minh 16 năm; Lương Văn Hòa 10 năm; Bùi Mạnh Hiển 10 năm; Nguyễn Thành Quỳnh 8 năm; Lê Thị Anh Hoa 3 năm treo. Ba bị cáo khác lĩnh 3 năm tù treo được trả tự do ngay tại tòa (nếu không phạm tội ở vụ án khác) gồm: Nguyễn Đức Hưng (cựu trưởng phòng tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Lê Xuân Khánh (cựu trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch). Sau khi án sơ thẩm tuyên, các bị cáo Thanh, Thuận, Minh, Hiển, Hòa kháng cáo. Nhưng trước ngày mở phiên phúc thẩm, bố con ông Thanh rút toàn bộ kháng cáo. |