Bán án phúc thẩm được công bố chiều nay xác định, Vinalines là công ty 100% vốn nhà nước. Dù dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển chưa được Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào quy hoạch, nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký duyệt phương án đầu tư để trình HĐQT phê duyệt. Khi ông Mai Văn Phúc về làm tổng giám đốc đã tiếp nhận chủ trương này.
Theo tòa phúc thẩm, người chịu trách nhiệm trực tiếp, xuyên suốt trong chuỗi các sai phạm này là ông Dũng, Phúc và các phòng ban Vinalines. Tại toà, các bị cáo đã thừa nhận điều này.
Về việc các bị cáo là nhóm cán bộ hải quan, đăng kiểm cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển để từ đó khẳng định không làm sai khi cho thông quan, HĐXX cho rằng "việc này là không phù hợp với quy định pháp luật và ý thức chủ quan của các bị cáo".
Bản án xác định, Bộ luật Hàng hải là cơ sở pháp lý cao nhất cho thấy ụ nổi thuộc quy phạm tàu biển, trong các văn bản, giấy tờ mua bán cũng đều thể hiện điều này. Hơn nữa tại phiên xử, nhóm bị cáo là cán bộ hải quan cũng thừa nhận hồ sơ ụ nổi có nhiều sai phạm nhưng khi đó ụ nổi đã kéo về VN nên tạo điều kiện cho thông quan. Ụ đã quá hạn cũ nát, không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu. Hiện ụ nếu đem bán sắt vụn sẽ chỉ được 45 tỷ đồng.
Theo tòa, các bị cáo liên quan vụ việc phải bồi thường toàn bộ số tiền đã gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Việc mua trực tiếp từ Công ty AP (Singapore) là sai quy định về luật đấu thầu. Đây là hành vi cố ý làm trái chứ không thể là thiếu trách nhiệm như lời khai của các bị cáo và đề nghị của luật sư tại phiên toà.
Việc chuyển tiền phải có sự thỏa thuận ngầm giữa Vinalines và Giám đốc Công ty AP. Trong thương vụ này, ông Dũng là người có quyền quyết định cao nhất. Theo quan điểm của tòa, nếu việc mua bán ụ nổi minh bạch sẽ không có chuyện phía bán "lại quả" số tiền lớn như vậy. Kết quả tương trợ tư pháp tại Singapore và Nga cho thấy, công ty AP mua ụ nổi 2,3 triệu USD nhưng bán lại cho Vinalines với giá lên đến 9 triệu. "Cấp sơ thẩm nhận định có sự thoả thuận mua bán ụ nổi, ăn chia là có căn cứ. Số tiền AP "lại quả" là khoản tiền của Vinalines, của nhà nước. Việc kết luận Dũng, Phúc, Sơn, Chiều ăn chia số tiền đó là hoàn toàn chính xác, không oan", bản án xác định.
HĐXX cho rằng, ông Dũng và ông Phúc đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng. Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, hai ông bị cho là khai báo quanh co, không hối cải. Hai bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả số tiền tham ô trong tổng số 20 tỷ đồng... Cho rằng chỉ có hình phạt nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa với tình trạng tham nhũng hiện nay, tòa tuyên phạt y án tử hình với bị cáo Dũng và Phúc.
Hành vi của hai bị cáo này và các đồng phạm bị cho là gây thiệt hại đặc biệt lớn. Dự án xây dựng nhà máy không nằm trong cơ cấu nên không tiếp tục được thực hiện. Ụ nổi sẽ được bán thanh lý. Việc thiệt hại do hành vi của họ gây ra sẽ không dừng lại ở khoảng 360 tỷ đồng như hiện giờ mà còn tăng hơn vì mức độ gây ô nhiễm của ụ nổi. Tòa cho rằng không có căn cứ tăng, giảm bồi thường của các bị cáo như đề nghị của VKS.
Theo đó, cấp phúc thẩm giữ nguyên mức bồi thường án sơ thẩm đã tuyên, buộc ông Dũng, Phúc, mỗi người nộp 110 tỷ đồng. Tòa chấp nhận một phần kháng cáo của vợ ông Dũng và người tình Phan Thị Thảo của ông này. Theo đó, căn nhà tại phố Nguyên Hồng của ông Dũng là tài sản chung của hai vợ chồng. Việc án sơ thẩm chưa trừ 1/2 căn nhà cho người vợ là không thỏa đáng.
* Hình ảnh ông Dương Chí Dũng và đồng phạm sau bản án phúc thẩm
Căn chung cư cao cấp tại Sky City 88 Nguyễn Chí Thanh, Thảo có đóng góp 600 triệu đồng, cần trừ đi 1/8 giá trị căn nhà cho cô này. Riêng căn nhà ở chung cư Pacific trên phố Lý Thường Kiệt không có tài liệu thể hiện đó là tiền vợ ông Dũng đưa để chồng mua cho cô Thảo nên kê biên là chính xác.
Tòa cũng bác kháng cáo của vợ ông Phúc về phần nhà cửa kê biên khi cho rằng việc kê biên toàn bộ nhà đất của ông Phúc là đúng.
Đối với bị Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines), tòa phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm tuyên ông Chiều không nặng. Bị cáo không có tình tiết mới để được xem xét. Ông Chiều bị phạt 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm cố ý làm trái, bồi thường gần 40 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) nhận trực tiếp chỉ đạo của Dũng và Phúc để lập hợp đồng khống mua ụ nổi, nhận tiền "lại quả" rồi chia cho các sếp. Sơn bị phạt 14 năm về tội tham ô, 8 năm cố ý làm trái, bồi thường gần 43 tỷ đồng.
Tòa cũng nhận định, mức án 7 năm tù với hai bị cáo Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines), Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) là chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, gia đình các bị cáo có công cách mạng nên giữ nguyên hình phạt, bồi thường từ 12 - 15 tỷ đồng. Ba bị cáo còn lại là Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong) mỗi người 6 năm tù.
Kết thúc phiên xử, các bị cáo nhanh chóng bị áp giải ra xe thùng trong vòng bảo vệ nghiêm ngặt của hàng rào cảnh sát. Ông Dũng và Phúc vẻ mặt tái mét, cố ngoái nhìn người thân.
Giữa sân tòa vắng, vợ ông Phúc không giữ được bình tĩnh, bật khóc nhìn theo bóng xe chở chồng. Nhiều người thân của hai cựu lãnh đạo cao nhất của Vinalines cũng òa khóc.
Các bị cáo lĩnh án tử hình có quyền gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày.
Phiên phúc thẩm mở từ ngày 22/4 tại TAND Tối cao tại Hà Nội. Trong 6 ngày thẩm vấn tại toà, đại diện VKSND Tối cao cho rằng, căn cứ lời khai cho thấy, ông Dũng và Phúc đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam trái với chỉ đạo của Thủ tướng. Hai ông này còn chỉ đạo mua ụ nổi 83M cũ nát gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng của nhà nước. Từ khi mang từ Nga về, ụ chưa từng được sử dụng do hư hỏng, hiện mỗi ngày mất khoảng một tỷ đồng chi phí bến bãi, sửa chữa. Các bị cáo đồng phạm cũng được xác định làm trái quy định của nhà nước.
Qua thương vụ này, theo lời khai của bị cáo Sơn, phía bên bán đã "lại quả" hơn 28 tỷ đồng. Ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng, ông Chiều nhận 340 triệu, Sơn hưởng số còn lại.
Tại toà, ông Dũng, Phúc cho rằng bị oan. Lời khai của Sơn là “man trá, trắng trợn”. Ông Dũng mong được sống để có cơ hội “minh oan”, còn ông Phúc cho rằng “chấp nhận tội chết nếu chứng minh tôi có tội”.
Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, bồi thường thiệt hại và thừa nhận một phần trách nhiệm trong hành vi làm trái quy định nhà nước. Các luật sư bảo vệ cho ông Dũng, Phúc cho rằng ông Sơn khai có nhiều mâu thuẫn, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại.
Giữ nguyên quan điểm truy tố, VKS cho đây là vụ án truy xét, sau 6 năm mới được phát hiện. Tuy nhiên qua lời khai, chứng cứ, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị cáo. VKS đề nghị bác đơn kháng cáo kêu oan của ông Dũng, Phúc, bác kháng án xin giảm hình phạt của bị cáo Khang, Sơn, Chiều. Nhóm các bị cáo là cán bộ đăng kiểm, hải quan được VKS đề nghị tòa giảm một phần trách nhiệm dân sự.
Theo án sơ thẩm, ông Dũng, Phúc bị tuyên án tử hình do Tham ô và Cố ý làm trái. Bị cáo Sơn lĩnh 22 năm tù, Chiều 19 năm, Dương 7 năm tù, Triện 8 năm, Lừng 8 năm, Khang 7 năm tù; Huỳnh Hữu Đức án 8 năm.
Việt Dũng