![]() |
Thuyết "Buôn Vua". |
Thuyết khai, khi vào TP HCM làm ăn buôn bán thường nghỉ tại khách sạn Cam nên biết ông chủ Trương Văn Cam. Quan hệ làm ăn được thiết lập khi Nam Cam vài lần giới thiệu Thuyết ra chợ Huỳnh Thúc Kháng mua bán hàng. “Khoảng đầu năm 1995, Năm Cam ra nhà tôi ở Hà Nội nói sắp bị bắt. Tôi hỏi Năm Cam phạm tội gì thì ông ta nói không có phạm tội gì cả. Ông ấy còn đưa tôi xem giấy khen của Công an TP HCM tuyên dương những đóng góp trong phong trào an ninh tổ quốc các năm 1992-1994. Tôi nghĩ Năm Cam nói đúng nên bảo để đi hỏi xem như thế nào. Sau đó tôi đến gặp Nguyễn Thập Nhất để hỏi về trường hợp này. Nhất nói nếu khởi kiện có cơ sở thì cứ làm đơn...”.
Lúc đó Năm Cam viết đơn kêu oan, nhờ Thuyết chuyển giúp lên VKSND Tối cao. Trước khi quay vào TP HCM theo giấy triệu tập của Bộ Công an, Nam Cam đưa tiền nhờ Thuyết ở Hà Nội lo liệu giúp. “Anh Năm Cam đưa tôi một gói tiền. Về nhà tôi mới mở ra đếm chỉ có 7.000 USD chứ không phải 10.000 như anh Năm nói. Tiền đó chi dùng đi lại, ăn uống trong thời gian 1995-1997. Số tiền đó Năm Cam tự đưa chứ tôi không hề gợi ý. Tôi nghĩ là anh muốn trả ơn việc tôi giúp chuyển đơn kêu oan…”.
Thuyết khai lại toàn bộ sự việc giúp đỡ của mình: “Hiệp "Phò Mã" tới và nói với tôi là: Ba con đã bị bắt. Chú hỏi hộ họ bắt ba vì tội gì. Hiệp đưa kèm theo một số giấy tờ khác như bài viết của báo Thanh Niên về việc bắt Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo, trong đó có ý là việc bắt do lực lượng Bộ Nội vụ tiến hành chứ không phải Công an TP HCM... Tôi dẫn Hiệp đến gặp Nguyễn Thập Nhất. Nhất xem xét một hồi rồi bảo để thảo đơn giúp và đưa cho Hiệp đi đánh máy. Những nơi cần gửi đơn Nhất cũng ghi rõ…”.
HĐXX hỏi: “Ngoài việc đến nhà Nhất còn đến nhà ai nữa không?”. Suy nghĩ một lúc Thuyết chậm rãi: “Nhất dẫn tôi và Hiệp đến nhà ông Phạm Sỹ Chiến. Ông Chiến nói đơn kêu oan thì phải gửi lên cơ quan chứ không nhận ở nhà. Còn anh Hạnh (Trần Mai Hạnh) thì tôi biết trước đó lâu rồi”. Toà hỏi: “Có gửi tiền cho Hạnh không?”. “Thưa, khoảng cuối năm 1995 anh Hạnh có đến nhà tôi chơi. Lúc đó cũng có Hiệp và Hiệp nói đưa tiền bồi dưỡng cho anh Hạnh”. Khác với lời khai của Dương Ngọc Hiệp là đưa tổng cộng cho Trần Mai Hạnh 6.000 USD và đồng hồ Rolex, Thuyết khẳng định chỉ đưa cho ông Hạnh tổng cộng 5.000 USD và chiếc đồng hồ. Còn việc Trần Mai Hạnh mượn của Thuyết 10.000 USD để sửa nhà thì đã hoàn trả sau đó. Số tiền 10.000 USD này Thuyết lấy của Hiệp “Phò Mã” và cho rằng “tôi mượn của Hiệp nhưng chưa trả”. Tòa hỏi: “Tại sao vay mượn từ năm 1995 đến nay mà không trả?”. Thuyết lí nhí: “Tôi có lỗi trong việc này”.
Cũng theo lời khai của Trần Văn Thuyết, sau khi được Nhất giới thiệu, Thuyết đến nhà ông Chiến khoảng 3 lần nữa. Một lần vào dịp Tết năm 1996, đi cùng với Hiệp đưa quà chúc tết với phong bì 10 triệu đồng, nhưng ông Chiến vắng nhà. Một lần khác Thuyết tự động đến lắp cho ông Chiến một dàn máy nghe nhạc trị giá gần 30 triệu đồng mua bằng tiền của Dương Ngọc Hiệp. Thuyết kể: “Tối hôm lắp máy xong, ông Chiến có gọi điện thoại hỏi tôi bao nhiêu tiền để chuẩn bị trả nhưng tôi nói anh cứ nghe đi”.
Bị cáo này chỉ thừa nhận cầm tổng cộng từ Hiệp 51.000 USD và mượn riêng 10.000 USD (đưa ông Hạnh sửa nhà) cùng chiếc đồng hồ Rolex chứ không phải là 70.000 USD và 20 triệu như Hiệp nói. Ngoài ra, thời gian ra Hà Nội khi bố vợ đã bị bắt cải tạo, Hiệp ở nhà Thuyết và luôn đi cùng Thuyết đến các nơi cần thiết để đưa đơn, đưa tiền. “Hiệp đưa hết tiền cho tôi giữ. Khi cần làm việc gì, đưa cho ai, Hiệp đều bàn với tôi và tôi lấy tiền đưa lại cho Hiệp sử dụng. Hiệp nói đưa hết 1,3 tỷ đồng là không đúng vì số tiền đó Hiệp còn dùng vào việc buôn bán ôtô”.
Khi chủ tọa công bố lời khai tại Cơ quan điều tra có nhiều mâu thuẫn với lời khai tại tòa, Thuyết giải thích: “Lúc đó bị bắt đột ngột nên hoảng sợ, tâm lý bất ổn, vì vậy lời khai có nhầm lẫn. Không hề có việc đưa tiền cho ông Cường (thư ký của ông Lê Thanh Đạo) như đã khai”.

Năm Cam trước toà.
“Nếu Hiệp khai như vậy thì chắc là đúng, vì lâu quá bị cáo không nhớ rõ…” - Năm Cam, bố vợ của Hiệp “phò mã” giải thích như vậy khi toà cho cậu con rể cưng ra đối chất. Năm Cam khẳng định lại việc mình có ra Hà Nội trước khi bị bắt để nhờ Thuyết giúp vì biết Thuyết có quen với một số cán bộ cấp cao. “Thuyết khuyên bị cáo nên về Sài Gòn để chuyện đó Thuyết lo, và ngỏ ý bồi dưỡng chút đỉnh. Bị cáo hỏi bao nhiêu, Thuyết nói khoảng 10.000 USD. Thuyết nhờ ai tôi không biết, chỉ nghe nói lại là đưa tiền cho người ở Bộ Công an, VKSND Tối cao. Còn cụ thể thì Thuyết giấu”.Về thời gian ở trại giam Thanh Hà, Năm Cam khai Hiệp có lên thăm nuôi và nói đã liên hệ với Thuyết. “Bị cáo có dặn con rể là nếu đưa tiền cho Thuyết thì hãy coi chừng vì lúc đó không tin tưởng vào Thuyết nữa. Bị cáo cũng có nghe vợ nói là đưa tiền cho Hiệp nhưng không nói bao nhiêu. Vợ bị cáo cũng không nói chuyện cầm nhà, bán xe, có lẽ sợ bị cáo biết chuyện thì buồn. Đến khi được ra tù, về nhà thì mới biết chuyện này, song Hiệp cũng không nói rõ đã đưa Thuyết bao nhiêu”. Tòa hỏi: “Bị cáo có tìm hiểu nhờ đâu mình được tha trước thời hạn không?”. “Thưa không. Vì lúc đó lo kiếm tiền để chuộc lại nhà. Với lại hỏi nhiều về chuyện tiền bạc thì sợ Hiệp nó nghĩ là căn vặn con rể, không tin nó...”.
Năm Cam cũng nói mình không hề biết Phạm Sỹ Chiến, Trần Mai Hạnh là ai mà chỉ biết ông Năm Huy (Bùi Quốc Huy), vì trước khi bị bắt cải tạo, có lần Hồ Việt Sử đã dẫn Năm Cam tới nhà ông Huy chơi. “Năm 1998 bị cáo mới biết Nguyễn Thập Nhất thông qua Hiệp. Một lần ở nhà hàng Ra Khơi, Hiệp giới thiệu bị cáo với Nhất và nói đó là người quen của Thuyết, người đã giúp Hiệp thảo đơn kêu oan...”.
Được gọi ra đối chất, Hiệp “Phò Mã” khẳng định Năm Cam có dặn mình liên hệ với Thuyết trước khi bị bắt. Và sau đó những lần lên trại giam thăm bố vợ, Hiệp đều thông báo việc nhờ Thuyết giúp đỡ, nhưng không nói rõ số tiền đã đưa. Trúc “Mẫu Hậu” cũng được đưa ra đối chất với chồng mình. Bị cáo này thay đổi lời khai lúc sáng, khẳng định không hề kể cho Năm Cam nghe việc cầm nhà, bán xe, trùng với những gì Năm Cam vừa khai.
Nghĩa Phương