Sáng nay 12/6, dự thảo Luật an ninh mạng sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Trước đó, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến trái chiều, băn khoăn về quy định của dự Luật. Tuy nhiên, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật được ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh trình bày trước phiên làm việc cho hay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội "cho giữ nguyên phạm vi điều chỉnh".
Facebook, Google phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam?
Liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng "quy định này là khả thi".
Cụ thể, cơ quan này cho hay, các Hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Do đó, việc Việt Nam áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong dự Luật là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Theo Thường vụ Quốc hội, đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.
Hiện Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hong Kong và Singapore. Nếu quy định của dự Luật có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu là "hoàn toàn khả thi".
Báo cáo của Thường vụ Quốc hội thừa nhận, trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam tuy có gia tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, nhưng là quy định cần thiết phải có để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng...
Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu đối với Điều 26 của dự thảo Luật (quy định về nội dung trên), kết quả: Số phiếu thu về là 437 phiếu, trong đó có 358 phiếu đồng ý (chiếm 81,92%); 73 phiếu không đồng ý (chiếm 16,7%); 6 phiếu ý kiến khác (chiếm 1,38%).
Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 29/5, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy nêu lo lắng, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định trên thì có thể không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng đủ nhu cầu trong lĩnh vực này.
Điều 15 được đề nghị "giữ nguyên"
Dự thảo Luật dành một chương để quy định về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng (Chương III). Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị chương này chỉ quy định các thông tin, hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu ý kiến, các thông tin vi phạm (quy định tại Điều 15) là chưa rõ thẩm quyền xác định và khó xác định thông tin đúng sai; đề nghị lược bỏ nội dung “giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý hành vi vi phạm hành chính về an ninh mạng”.
Trước các ý kiến trên, Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc Luật này quy định cả hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội là cần thiết. Bên cạnh các hành vi theo quy định của Bộ luật Hình sự, dự Luật cũng phải quy định các hành vi vi phạm khác, ở các mức độ khác nhau, để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Việc quy định rõ các thông tin vi phạm tại Điều 15 là để người sử dụng không gian mạng nhận biết và phòng tránh, còn cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm điều tra, xác định mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi và hình thức, biện pháp xử lý trong trường hợp có vi phạm.
Do đó, thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nguyên những nội dung trên trong dự thảo Luật; đồng thời, chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng các nội dung trong chương này để chỉnh lý cho phù hợp hơn và lược bỏ nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý hành vi vi phạm hành chính về an ninh mạng.
Liên quan đến Điều 15, tại phiên thảo luận ngày 29/5, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho hay đây chính là băn khoăn lớn nhất của ông khi đọc dự thảo Luật.
Điều này quy định về "Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế". Tuy nhiên, theo ông Hiếu, mặc dù điều luật trên liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ nhưng trong cuộc sống hàng ngày ranh giới đúng, sai nhiều khi rất mong manh.
"Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an?", ông Hiếu nêu câu hỏi và cho hay, kinh nghiệm của Indonesia khi sửa đổi Luật vào năm 2017 đã quy định rất rõ ràng "người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án".
Về lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, Thường vụ Quốc hội cho hay lực lượng này đã được tổ chức, bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, còn ở các bộ, ngành khác và địa phương chỉ quy định bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng. |