Sáng 6/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM lấy ý kiến của các đại biểu, sở ban ngành về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Trí, Trường Đại học Luật TP HCM, kiến nghị bỏ khỏi dự thảo quy định "tạm đình chỉ giải quyết tố cáo khi có kết luận giám định xác định người bị tố cáo bị bệnh tâm thần hoặc hiểm nghèo".
"Quy định này dễ khiến sự việc chìm xuồng, nhiều người bị tố cáo lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Chỉ cần họ tìm cách để được xác định bị tâm thần, bệnh hiểm nghèo thì sẽ tạm đình chỉ. Mà hiện nay việc xác định như thế nào là bệnh hiểm nghèo cũng là một khái niệm mơ hồ", ông Trí nêu quan điểm.
Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi cũng liệt kê thêm một số trường hợp bị tố cáo mà trước đây không đưa vào luật, gồm: hành vi vi phạm nhiệm vụ, công vụ của người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Trí cho rằng, hành vi của những người này không thể coi là thực hiện công vụ, nhiệm vụ vì họ đã nghỉ hưu hoặc bị cách chức, miễn nhiệm… Nếu bị tố cáo về hành vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì phải là hành vi lúc họ còn đương chức", ông Trí đánh giá.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Trữ - Phó chánh Thanh tra TP HCM - không đồng tình với ý kiến của ông Trí. Bởi theo ông, khi người bị tố cáo nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ công chức viên chức thì vẫn phải xử lý, vẫn phải giải quyết tố cáo để tránh bỏ lọt tội phạm.
Ông Trữ kiến nghị thẩm quyền giải quyết các trường hợp này nên giao cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức trước đây nơi người đó công tác, hoặc nơi đang quản lý người đó. Khi được giao thẩm quyền, những cơ quan này có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ tố cáo.
Ngoài ra, ông Trữ cho hay, từ trước tới nay nguyên tắc không xem xét giải quyết tố cáo nặc danh có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Để khắc phục tình trạng này, cần xem xét trường hợp tố cáo nặc danh có đầy đủ bằng chứng như hình ảnh, ghi âm, ghi hình… Cơ quan tiếp nhận nên chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phó chánh Thanh tra TP HCM nói rằng, cũng cần có biện pháp kiểm soát việc người tố cáo rút đơn, vì lo ngại tố cáo tràn lan. Chỉ cho rút tố cáo khi có căn cứ người này không bị đe dọa trù dập, trả thù, không vụ lợi, không bị mua chuộc, hoặc không có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm…
Nêu quan điểm về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) đề nghị người tố cáo đương nhiên được thông báo việc thụ lý, quá trình giải quyết và kết quả tố cáo. Theo quy định trước nay, người có thẩm quyền giải quyết không có nghĩa vụ phải thông báo kết quả, nếu người tố cáo không yêu cầu.
Luật sư Hòa cũng đặt vấn đề về tính khả thi trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo. Vừa qua ngành công an kiến nghị nếu giao việc bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người tố cáo cho công an thì lực lượng này không đủ người để làm. Tuy nhiên, luật sư Hòa cho rằng nếu thành lập thêm một lực lượng để bảo vệ người tố cáo là không khả thi, giao cho công an đã có sẵn lực lượng là hợp lý.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành tháng 7/2012. Trong quá trình thi hành đã gặp nhiều vướng mắc trong việc tiếp nhận tố cáo và giải quyết tố cáo. Quốc hội ban hành dự thảo Luật tố cáo sửa đổi để lấy ý kiến rộng rãi, nhằm quy định lại chặt chẽ các điều khoản để thông qua trong thời gian tới.
Tuyết Nguyễn