Qua 30 văn bản góp ý về dự thảo Luật thi hành án hình sự, Ủy ban Thường vụ cho biết hiện có 3 loại quan điểm về thi hành án tử hình. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định hai hình thức: xử bắn và tiêm thuốc độc. Luồng ý kiến thứ hai là tiêm thuốc độc và ý kiến thứ ba là duy nhất xử bắn như hiện hành.
Ủy ban Thường vụ nhận thấy, nhiều nước đã áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Nhìn chung trong các hình thức được áp dụng hiện nay thì tiêm thuốc độc ít gây đau đớn cho cho người bị thi hành án. Nó đảm bảo tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án.
Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội hai phương án để quyết định.
Phương án một là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Phương án 2 là vẫn áp dụng việc xử bắn.
Về phương án một, Ủy ban Thường vụ cho rằng quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Để có thời gian chuẩn bị, luật nên quy định hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc được thực hiện sau một năm kể từ khi luật có hiệu lực. Trong thời gian này vẫn áp dụng cách xử bắn như quy định hiện hành.
Một bị cáo bị tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản. Ảnh: Vũ Mai |
Về hài cốt của người bị thi hành án tử hình, Ủy ban Thường vụ cho rằng quy định như dự thảo về việc thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận tro cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng là phù hợp. Việc này cũng phù hợp với phong tục, tập quán của nhiều địa phương hiện nay; cũng như yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường.
Còn về việc cho nhận tử thi, có đại biểu đề nghị cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi về mai táng. Ủy ban Thường vụ nhận thấy, việc này dễ gây ảnh hưởng về trật tự, an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như bảo quản tử thi, tổ chức mai táng.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nhân đạo nên cần được cân nhắc để cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi, nhưng phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Vì lẽ đó, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc này.
Việc phạm nhân sử dụng "tiền lương" trong quá trình cải tạo lao động, Ủy ban Thường vụ đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng tiền phạm nhân được hưởng từ kết quả lao động phải để trại giam quản lý. Phạm nhân sử dụng tiền phải chịu sự giám sát của giám thị trại giam. Phạm nhân được quyền chuyển tiền của mình cho thân nhân và nhận lại tiền sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Dự thảo luật thi hành án hình sự cũng quy định, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam... phải tổ chức truy bắt ngay. Trong thời hạn 24 giờ mà không có kết quả thì giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh... phải ra quyết định truy nã.
Hoàng Khuê