Sáng 7/11, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ hai về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chống tham nhũng.
Ông Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã có trao đổi với đại biểu Dương Trung Quốc liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Trước đó sáng 2/11, phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ông Dương Trung Quốc bày tỏ thống nhất quan điểm "thượng tôn pháp luật". Tuy nhiên, ông nêu vấn đề: "Chúng ta thấy xử lý như thế nào. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, kêu gọi đầu thú... với người dân. Nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp vẫn đứng ngoài pháp luật, điều đó gây bức xúc cho người dân".
Giải đáp ý kiến của ông Quốc, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ án, Bộ Công an đã rất nghiêm túc thành lập đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn.
"Quá trình thanh tra đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, việc chấp hành quy định và thực thi pháp luật của lực lượng công an thành phố Hà Nội", ông Hải nói.
Theo ông Hải, sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, "gia đình ông Kình xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân".
"Sau đó ông Lê Đình Kình đã tố giác một cán bộ làm ông gãy chân, quá trình thanh tra cho thấy, cán bộ bị tố giác có mặt ở hiện trường nhưng không hề tham gia vào bắt giữ và đứng cách đó một đoạn", ông Hải thông tin.
Phó giám đốc Công an Hà Nội khẳng định, căn cứ vào kết luận thanh tra, "không có vấn đề gì liên quan đến quá trình thực thi nhiệm vụ đánh, gây thương tích ông Kình, đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình".
"Công an TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn đúng quy định pháp luật", ông Hải kết thúc phát biểu của mình.
Đăng đàn ngay sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng sự việc diễn ra hơn nửa năm nhưng thông tin trên nay mới được nêu ở Quốc hội.
"Phải chăng đó là cách làm của công an Hà Nội. Không nên biện hộ như vậy, tốt nhất nên công khai để người dân bình luận xem ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân hay không?", ông Quốc bình luận.
Tranh luận liên tục về "bức tranh tối - sáng" trong chống tội phạm
Trước việc đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên, cho rằng "lĩnh vực nào có luật phòng, chống; có chương trình phòng ngừa thì kết quả thực hiện thường ngược lại", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) đã giơ biển xin tranh luận.
“Đây là sự quy kết một chiều, lấy hiện tượng không phổ biến để đánh giá bao trùm công tác đấu tranh tội phạm”, ông Cầu phản bác.
Theo ông, khi đánh giá phải dựa vào thống kê, cụ thể như năm 2017 so với 2016 thì tội phạm trật tự xã hội giảm 5,48% số vụ, 8,08% số bị can; tội phạm có tổ chức giảm 5,45%; lừa đảo giảm 5,37%...
“Nếu không có Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì loại tội phạm này ở nước ta sẽ đi về đâu? Tôi không bênh vực những yếu kém trong công tác chống tội phạm nói chung, nhưng đây là lĩnh vực nguy hiểm, bao nhiêu người đã hy sinh, xin đừng quên điều đó”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An cũng tranh luận với đại biểu Minh Hiền, khi bà Hiền nêu vấn đề bỏ lọt tội phạm trong vụ việc một bà mẹ đơn thân xin được đi tù vì lý do con mình bị hiếp dâm.
“Việc đại biểu Hiền nêu là không chính xác”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, khi vụ việc xảy ra ở địa bàn Long An, cơ quan điều tra đã vào cuộc giám sát quá trình xử lý. Qua đó, cơ quan điều tra kết luận không đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự về tội hiếp dâm. Tỉnh Long An sau đó cũng đã họp báo công khai vụ việc và không nhận được khiếu nại gì từ nạn nhân, cũng như các bên liên quan.
“Những thông tin mang tới cho cử tri phải là trung thực nhất, điều đại biểu Hiền nói đã phủ nhận tất cả những cố gắng của lực lượng chức năng, tôi rất không đồng tình”, bà nói.
Tham gia mạch tranh luận trên, đại biểu Thái Trường Giang - Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, nói ông không phủ nhận những hy sinh, khó khăn của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Thực tế đúng là có những hiện tượng như đại biểu Hiền ở Phú Yên nêu, cán bộ là công bộc của dân nhưng vẫn nhận tiền lót tay, tham nhũng, khiến dân bức xúc. Đây là điểm tối đã làm điểm sáng lu mờ đi, buộc chúng ta phải suy nghĩ”.
"Tôi nghĩ rằng đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu vấn đề cũng chỉ với mục đích để các cơ quan tư pháp có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn. Là đại biểu Quốc hội thì phải ghi nhận những bức xúc, trăn trở của dân truyền tải tới Quốc hội. Ngành tư pháp nên cầu thị lắng nghe", ông Giang nói.
"Lót tay, bôi trơn" có phổ biến hay không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, quy định về thời hạn giải quyết thủ tục tư pháp đã có nhưng nhiều vụ việc đơn giản bị kéo dài.
“Sự chậm trễ này là điều khủng khiếp với người dân”, ông Nghĩa nói và phản ánh, có trường hợp người dân biết lãnh đạo cơ quan tư pháp đã ký văn bản nhưng "mấy tuần vẫn chưa đến tay họ". Do vậy, người dân phải "chạy", phải "bôi trơn, lót tay" thông qua "cò" hay nhân viên cơ quan để mong sao sự việc trôi chảy.
Bày tỏ không đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ông Mai Khanh - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, nói: "Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, mấy chục nghìn cán bộ, công chức ngành toà án, tư pháp đang theo dõi nên đại biểu cần chính xác, không tô hồng nhưng cũng không bôi đen".
Theo ông Khanh, ý kiến của đại biểu Nghĩa thiếu cơ sở, vì chưa có căn cứ nào khẳng định việc lót tay là phổ biến.
“Trong 500.000 vụ mà ngành toà án xét xử hàng năm, tôi đặt câu hỏi tiêu cực, vi phạm chiếm tỷ lệ bao nhiêu”, ông Khanh nhấn mạnh và cho rằng, "ngành nào cũng cần có cái nhìn cầu thị, tuy nhiên phải đánh giá đúng mức những kết quả đạt được".
"Kiểm tra thất thoát trong đấu thầu thuốc chữa bệnh"
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về nội dung người dân tham gia phòng, chống tham nhũng.
"Người tố cáo có bị trù dập không? Trong năm qua chẳng lẽ không có người dân nào tố cáo? Nguyên nhân vì sao? Theo thống kê, chỉ 38% số người được hỏi trả lời sẵn sàng tố cáo, tức là người dân chưa sẵn sàng tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng", bà Xuân nói.
Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị rà soát, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế, vì qua vụ VN Pharma đã xuất hiện nghi vấn về đấu thầu thuốc không minh bạch.
"Vừa qua bảo hiểm xã hội từ chối chi 3.000 tỷ đồng. Trong số này có bao nhiêu là vẽ ra để thanh toán bảo hiểm y tế. Thất thoát trong đấu thầu thuốc chỉ cần một ít thôi cũng đã là số tiền rất lớn", bà Xuân nói.
"Vì sao báo cáo tư pháp gửi Quốc hội đóng dấu mật?"
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu vấn đề về việc trong hoạt động tư pháp đã có quy định minh bạch quy trình, nhưng báo cáo về lĩnh vực này gửi Quốc hội lại đóng dấu mật.
"Công khai sẽ tạo căn cứ để cử tri tiếp xúc các báo cáo, giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp tốt hơn", ông Cường nói.
Theo đại biểu Cường, hiện kênh đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp thông qua xã hội học, đo lường sự trải nghiệm, hài lòng của người dân chưa được thực hiện.
"Nên nghiên cứu cơ chế đánh giá sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan tư pháp. Nếu tự cơ quan nào khẳng định làm tốt, không có tiêu cực mà người dân không cho rằng như vậy thì cơ quan đó cần xem lại", ông Cường nói và cho rằng, các cơ quan tư pháp cần tích cực giải trình trước những thông tin phản ánh trên báo chí, mạng xã hội.
Trong ngày làm việc hôm qua 6/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu trải rộng nhiều vấn đề, trong đó nhiều ý kiến cho rằng giải pháp kê khai tài sản để chống tham nhũng còn hình thức; việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đạt hiệu quả chưa cao, hơn 92% số tiền tham nhũng trong 10 năm qua còn bị thất thoát...
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, chống tham nhũng “tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá”.
Ông nói, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều.
“Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án, phóng viên báo chí...”, ông Khái nói.
Trong thời gian tới, ông Khái cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền...
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình một số vấn đề về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) được công bố hôm 20/4 - 5 ngày sau biến cố tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ngày 15/4, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại. 7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên. Ngày 25/7, thanh tra TP Hà Nội có Thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Nội dung chính của kết luận khẳng định, "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng". |
Hoài Thu - Võ Hải - Hoàng Thuỳ