Chiều 5/9, Uỷ ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cảm nhận các doanh nghiệp lớn đều có “sân sau”, thậm chí "không phải một mà vài ba sân". “Câu chuyện này tôi nghe từ lâu lắm rồi. Chúng ta đã thống kê được chưa và có thái độ thế nào với hiện tượng này”, ông Sơn đặt câu hỏi. Ông đề nghị theo dõi đường đi của các hợp đồng thương mại thì sẽ có giải pháp làm sạch chuyện này.
Ông Sơn bày tỏ lo ngại tình trạng tham nhũng đất đai đã đạt đến mức “đúng quy trình pháp luật”. Theo ông, đất đai là tài sản của toàn dân, vốn không phải để chia lô, bán nền. “Nhưng khi người ta chuyển đổi đất sử dụng thì lập tức được bán ra với giá trên trời. Tôi nhìn thấy nguồn lực nhà nước bị xâm hại rất lớn”, ông Sơn trăn trở.
Dẫn chứng vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") thâu tóm rất nhiều tài sản công, nhà cửa, đất đai, đại biểu Sơn chất vấn: “Tài sản đó hiện nay nằm trong tay ai và có thu hồi được hay không?”
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đặt câu hỏi về vụ án này: “Mới chỉ nghe tin, người ta đã tẩu tán tài sản khắp nơi thì thu hồi bằng cách nào?”
Đáp lại, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nói vụ án có sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban chỉ đạo 110 do Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng làm tổ trưởng.
Theo ông Vương, ngoài 4 tội danh đã bị khởi tố là: Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý đất đai, Vũ "Nhôm" còn có thể bị xem xét về hành vi rửa tiền, trốn đi nước ngoài...
“Sai phạm của Phan Văn Anh Vũ có liên quan gì đến địa phương hay không? Ai tiếp tay? Có sự vi phạm của chính quyền địa phương”, Thượng tướng Vương nói và cho hay Bộ Công an đang tiếp tục điều tra ai đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ lấy được 31 nhà công sản và hàng chục dự án.
Không xác minh thì việc kê khai tài sản của 1,1 triệu cán bộ là vô nghĩa
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, có hơn 1,1 triệu cán bộ kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng chỉ có 44 người thuộc diện phải xác minh, phát hiện 6 trường hợp vi phạm.
“Dựa trên tỉ lệ này thì trong số 1,1 triệu cán bộ, sẽ có bao nhiêu trường hợp vi phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu.
Cùng băn khoăn về con số trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng: Có quan chức bị dân nói có 5-7 biệt thự, cho con học nước ngoài, có mấy công ty... thì phải xác minh xem có tiêu cực hay không. “Nếu chỉ kê khai mà không xác minh thì hơn 1,1 triệu cán bộ kê khai tài sản là vô nghĩa”, ông Nghĩa thẳng thắn.
Ông đề nghị việc xác minh tài sản cán bộ phải được làm thường xuyên, có phân cấp. Giám đốc sở phải xác minh tài sản cán bộ trong sở. Uỷ ban xác minh tài sản giám đốc. Cấp trên xác minh tài sản của chủ tịch uỷ ban cấp dưới. “Như vậy việc xác minh tài sản mới thành quy trình tự động để xem việc kê khai có khớp với kết quả xác minh hay không”, ông Nghĩa đề xuất.
Đồng tình với những ý kiến trước, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi, có gì lẩn khuất đằng sau những bản kê khai tài sản này. Ông chung câu hỏi với bà Thuỷ, nếu xác minh tài sản hơn 1,1 triệu cán bộ thì có bao nhiêu sai phạm?
Ông đề xuất khi quan chức có biểu hiện không bình thường về tài sản thì phải chủ động xác minh. Luật cần bổ sung điều này.
Giải đáp một phần lo lắng của các đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã bỏ quy định trường hợp cần thiết mới xác minh tài sản. Đồng thời quy định rõ hơn các dấu hiệu không trung thực khi kê khai tài sản. Quan chức có tài sản biến động tăng 300 triệu đồng trở lên mà không giải trình rõ nguồn gốc sẽ bị xác minh.
Đại biểu Vũ Trọng Kim nói số liệu báo cáo năm 2018 có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, tổng trị giá 421 triệu là quá nhỏ. “Tiền quà của vụ án AVG sao không tổng hợp vào đây?”, ông Kim hỏi.
Thượng tướng Lê Quý Vương trả lời, vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG mới chỉ bắt đầu vào cuộc điều tra làm rõ các nội dung, trong đó có vấn đề mua bán, trả tiền...