Sáng 24/10, tại trại giam ở Hải Phòng, tòa án quân sự Quân khu 3 mở sơ thẩm xét xử 5 người bị cáo buộc mua bán trái phép đất quốc phòng tại phường Thành Tô, quận Hải An (Hải Phòng) về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
5 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Khuây (64 tuổi), nguyên sư đoàn trưởng Sư 363; Vũ Duy An (61 tuổi), nguyên chủ nhiệm Hậu cần Sư 363; Đỗ Công Mên (61 tuổi), nguyên chủ tịch UBND phường Thành Tô; Nguyễn Phú Doanh (41 tuổi), nguyên cán bộ trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Phòng và Phạm Văn Bình (tức Bình "Cá”, 60 tuổi), giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Dương.
Theo đại diện Viện kiểm sát quân sự, do sự việc phức tạp, cơ quan này đã tách thành từng vụ án nhỏ. Hôm nay, tòa án xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
VKS cáo buộc Sư đoàn Phòng không 363 được Thủ tướng và Bộ Quốc phòng giao quản lý khu đất rộng 108 ha tại phường Tràng Cát và phường Thành Tô, quận Hải An (Hải Phòng), trong đó tại phường Thành Tô là 72 ha. Phòng hậu cần được Sư trưởng 363 được giao quản lý khai thác.
Năm 2004, với ý định chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng nêu trên thành đất ở lâu dài cho gia đình quân nhân, sư trưởng Khuây gửi nhiều báo cáo đề nghị Tư Lệnh Phòng không - Không quân đồng ý cho khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án xây dựng nhưng không được chấp thuận.
Lấy lý do người dân đổ phế thải xây dựng, đại tá Khuây đã giao thượng tá Vũ Duy An cử lực lượng đi đo đất, bàn giao khu đất này cho phường Thành Tô quản lý.
Biết sự chỉ đạo này là trái pháp luật nhưng ông An vẫn thực hiện và giao cho Lưu Đức Tài cùng với Nguyễn Văn Đức (trợ lý tác chiến, theo dõi đất quốc phòng do Sư đoàn 363 quản lý) phối hợp với cán bộ địa phương đi cắm mốc giới. Tài và Đức đã cắm vượt diện tích khu A từ 5ha lên 5,7ha, phạm cả vào đất của Sư đoàn 363 đã cho Tổng đội thanh niên Hải Phòng thuê trước đó.
Thượng tá An khi kiểm tra thực địa đã phát hiện ra cắm mốc không đúng phần đất được lập nên đã có ý kiến với cấp trên. Sư trưởng Khuây bị cáo buộc không chỉ bỏ ngoài tai mà còn cùng Đỗ Công Mên ký, đóng dấu vào bản đồ xây dựng hạ tầng khu Đồng Xá.
Thời điểm đó, thấy thị trường đất biến động, tăng cao, Phạm Công Bình xin thuê 3,3 ha đất mặt nước trái phép để xây dựng nhà xưởng chế biến thủy sản và lập các ki-ốt bán hàng nhưng người đứng tên ký hợp đồng là vợ Bình.
Bình viện lý do một phần diện tích bị chồng lấn với phần đất của đơn vị khác đã thuê, đề nghị An ký cho thuê 16ha mới, nhưng lại không thanh lý số 3,3 ha đã ký thuê trước đó.
Có được đất, Bình bàn với các sư trưởng Khuây, thượng tá An cùng Doanh, Mên lập bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500, chia nhỏ thành các lô có diện tích 100 m2 rao bán công khai với giá 500-700 triệu đồng/lô, tung tin dự án đã có giấy tờ hợp pháp.
Trước sức ép của một số khách hàng đã đặt tiền cọc từ trước, lo sợ kế hoạch bị bại lộ, dẫn đến nguy cơ tiền đầu tư ban đầu không thu lại được, Bình bảo Mên lập bản trích đo, đóng dấu của UBND phường Thành Tô rồi giao cho khách hàng nhằm xoa dịu tình hình.
Có trích đo, người mua bán đất quốc phòng xem đây là "lá bùa hộ mệnh". Mọi thủ tục xin cấp điện nước về khu vực này, Bình khai do ông Mên thực hiện, thu mỗi hộ 14 triệu đồng.
Cũng theo cáo trạng, toàn bộ khu đất 5,7ha có giá trị thấp nhất cũng hơn 32 tỷ đồng đã bị 5 bị cáo xâm hại, san lấp, chia lô, bán và xây dựng trái phép, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khu B rộng 9,2ha bị nhiều người xâm chiếm...
Tại tòa, 5 bị cáo thừa nhận hành vi, xin hưởng mức án thấp nhất để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, người thân và hòa nhập cộng đồng.
Xét các bị cáo đều thành khẩn khai báo, bước đầu đã nộp mỗi người 50 triệu đồng để khắc phục một phần thiệt hại, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Khuây 42 tháng tù, Vũ Duy An 36 tháng tù. Đỗ Công Mên, Phạm Văn Bình và Nguyễn Phú Doanh mỗi người 30 tháng tù.