
Ông Lê Nam Trà trước khi bị bắt.
Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220 Bộ luật Hình sự 2015) xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan.
Cùng ngày, nhà chức trách thực thi lệnh khởi tố bị can, bắt và khám nhà ông Lê Nam Trà (57 tuổi, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone) và ông Phạm Đình Trọng (48 tuổi, Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông).
Đầu năm 2016 dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG được tiết lộ, tuy nhiên số tiền không được nhắc tới. Thời điểm đó Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Công an đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật - trái với các quy định hiện hành.
Gần hai năm sau, đầu tháng 3/2018, nội dung của hợp đồng này mới dần được biết đến khi bị Ban Bí thư đánh giá là "nghiêm trọng" và đề nghị các đơn vị liên quan sớm làm rõ để công khai.

Sai phạm của lãnh đạo MobiFone như thế nào? Đồ họa: Việt Chung
Ít lâu sau chỉ đạo này, MobiFone và AVG bất ngờ ra thông báo đã thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng. Nhóm cổ đông AVG trả lại hơn 8.500 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan.
Thanh tra Chính phủ cũng ban hành kết luận, xác định đây là "vụ việc nghiêm trọng" và chỉ rõ, với cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, ông Lê Nam Trà phải chịu trách nhiệm về việc “cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật"...
Kết luận cũng nêu rõ MobiFone đã đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG mà còn cho rằng tình hình kinh doanh rất khả quan. Trong khi thực tế, từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)...
Giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá thiếu tin cậy khi xác định lên tới hơn 16.000 tỷ đồng. Số liệu này sau đó được dùng làm căn cứ mua cổ phần.
Cơ quan thanh tra tính rằng sau khi trừ giá trị tài sản vô hình gần 13.500 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả hơn 1.100 tỷ đồng thì "nguy cơ hiện hữu gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.000 tỷ đồng".
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Nam Trà và Tổng giám đốc, Kế toán trưởng MobiFone.

Thanh tra Chính phủ cho rằng MobiFone đã sử dụng kết quả thẩm định giá thiếu tin cậy khi mua cổ phần AVG. Ảnh: Anh Tú
Gần một tháng, sau khi kết luận thanh tra được ban hành, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã bổ sung "việc xử lý kết luận thanh tra việc mua AVG" vào diện cần theo dõi, chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty MobiFone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Trong đó, ông Trà có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Lý giải về những sai phạm bị chỉ ra trong kết luận, ông Lê Nam Trà cho rằng MobiFone thực hiện đúng chức năng, quyền hạn trong dự án mua AVG. Ông nói: "Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế, thực hiện theo chiến lược kinh doanh truyền hình của MobiFone và được Bộ Thông tin Truyền thông phê duyệt từ tháng 12/2014"...
>> Ông Lê Nam Trà lý giải về sai phạm khi kết luận thanh tra được công bố
Ông Phạm Đình Trọng từng công tác tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV, Tổng cục Đầu tư của Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính và làm công tác thư ký cho các lãnh đạo Bộ. Năm 2006, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Năm 2014, ông làm Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong việc MobiFone mua cổ phần AVG, ông Trọng có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án.
Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, ông Trọng với vai trò là Tổ trưởng thẩm định đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG...
Khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, Thủ tướng chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Trọng vẫn trình lãnh đạo Bộ quyết định phê duyệt Dự án; thống nhất, tham mưu để lại hai khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ...