Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP HCM cho hay đồng thuận với ý kiến của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc thành lập lại Đội săn bắt cướp và đang xin ý kiến Bộ Công an.
Theo lãnh đạo Công an TP HCM, để trấn áp các loại tội phạm đường phố, hiện thành phố có Đội Cảnh sát đặc nhiệm. Lực lượng này cũng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như Đội SBC ngày xưa. Các chiến sĩ đặc nhiệm luôn tuần tra 24/24 trên mọi tuyến đường, phối hợp cùng công an các quận huyện kịp thời trấn áp các loại tội phạm.
Trước tình trạng cướp giật lộng hành, gây hoang mang, bức xúc cho người dân, Công an TP HCM đã tăng cường gấp đôi quân số cảnh sát đặc nhiệm, bổ sung nhiều trang thiết bị hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, thành phố tăng cường nhiều đơn vị khác như cảnh sát cơ động, 113... phối hợp công an các quận huyện, tuần tra các tuyến đường và đã kéo giảm được tỷ lệ tội phạm.
Làm việc với Công an TP HCM, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhiều lần nhấn mạnh, việc tái lập Đội SBC là theo nguyện vọng của nhân dân, các cán bộ lão thành. Đây là lực lượng tinh nhuệ, từng là nỗi khiếp sợ của tội phạm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đối với tình hình hiện tại cần nghiên cứu thêm để hoạt động tốt hơn.
"Phải trang bị các công cụ hỗ trợ để làm sao các chiến sỹ hoạt động có hiệu quả, để TP HCM là nơi khiếp sợ của tội phạm", Bí thư Thăng chỉ đạo.
Cựu thành viên Đội SBC Trần Văn Năm (Năm Lửa) chia sẻ với nhiều người về mong muốn thành lập Đội SBC bởi lực lượng này gắn liền với những chiến công vang dội của các chiến sĩ, đi vào lòng người dân. "Bây giờ, lực lượng hình sự có trình độ cao, giỏi võ, chuyên nghiệp hơn nhưng còn mỏng nên ý tưởng tái lập Đội SBC, mang thương hiệu SBC là cần thiết", báo Người lao động đưa tin.
Tuy nhiên, theo ông Năm, nếu lực lượng này được thành lập thành phố nên cung cấp vũ khí, trang thiết bị thông tin liên lạc và quyền hạn cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ. Dù rằng những quyền hạn này có thể sẽ bị lạm dụng nhưng nếu trong quá trình truy đuổi mà phải xử lý bài bản thì không thể bắt được cướp.
"Lập lại hình ảnh SBC như thời xưa tôi cho rằng cần phải có kế hoạch cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đổi một cái tên", ông Năm nói.
Đội SBC ra đời tháng 3/1978 trong bối cảnh tình hình tội phạm ở TP HCM đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp. Trong hơn 3 năm (1975-1978) chúng đã cướp đi sinh mạng của 170 người, 200 người bị thương, tài sản thiệt hại hàng nghìn lượng vàng..
Thành viên Đội SBC được chọn lọc từ những công an ưu tú. Các chiến sĩ được huấn luyện kỹ năng lái xe, bắn súng điêu luyện, được quyền chạy xe hết tốc độ, vào đường cấm, được bắn hạ các tên tội phạm có vũ khí sau những viên đạn cảnh cáo.
Hình ảnh các chiến sỹ SBC trên xe Honda 67 rượt đuổi tốc độ cao, đấu súng với cướp trên đường phố trở nên quen thuộc với người dân. Sự dũng cảm trước những tên tội phạm nguy hiểm đã khiến lực lượng này trở thành thương hiệu, nỗi khiếp đảm của tội phạm lúc bấy giờ.
Đội SBC đã lập nhiều thành tích, bắt hàng nghìn tên cướp đặc biệt nguy hiểm trang bị "hàng nóng". Nhiều tên tuổi cảnh sát trở thành thần tượng của người dân như Đại úy Hai Thành, Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc, Lê Thanh Liêm...
>> Săn bắt cướp - những đại bàng trên đường phố
>> Đội trưởng 'Săn Bắt Cướp' đầu tiên của Sài Gòn qua đời
>> Cuộc truy tìm thủ phạm bắt con nghệ sĩ Kim Cương của Đội trưởng SBC
Quốc Thắng