Tháng 10/2012, ông Đỗ Ngọc Tươi nộp đơn ra TAND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật di sản người mẹ để lại là hơn 1,9 tỷ đồng, chưa tính lãi suất phát sinh cho 6 anh chị em của ông.
Theo ông Tươi, trước năm 1954, mẹ của ông chung sống như vợ chồng với ông Dương Thái Bảo và có một con chung. Năm 1954, ông Bảo tập kết ra Bắc, sau đó lấy vợ khác. Năm 1993, ông Bảo vào TP HCM nhưng không ở với mẹ ông mà lấy tiếp vợ khác. Mẹ ông Tươi cũng sống chung như vợ chồng với hai người khác sau khi ông Bảo ra Bắc. Hai người đàn ông này lần lượt qua đời vào các năm 1970 và 1988. Năm 2012, bà cũng mất.
Ông Tươi cho rằng hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản mẹ để lại chỉ gồm 6 người con, còn ông Bảo gần 60 năm nay không còn quan hệ với bà nên không liên quan gì. Tuy nhiên, tòa vẫn đưa ông Bảo vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mới đây, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng phân tích: Theo Thông tư số 60 ngày 22/2/1978 của TAND Tối cao (hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác), trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được tòa thụ lý, giải quyết.
Như vậy, ông Bảo sống chung với mẹ của ông Tươi trước năm 1954, sau đó ra Bắc có gia đình. Khoảng năm 1993, ông Bảo vào Nam, dù thực tế không chung sống với mẹ của ông Tươi nữa nhưng giữa hai người chưa ly hôn. Hôn nhân của ông Bảo với mẹ của ông Tươi là hôn nhân thực tế, chưa chấm dứt nên khi mẹ của ông Tươi chết sẽ phát sinh quan hệ thừa kế. Do đó, ông Bảo được xác định là hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng một phần di sản mà mẹ của ông Tươi để lại.
Từ đó, tòa chia cho ông Bảo và sáu anh chị em ông Tươi mỗi người hơn 310 triệu đồng… Phía anh chị em ông Tươi rất ấm ức nên sau phiên xử đã có đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại việc phân chia di sản cho ông Bảo.
Vụ việc này gây chú ý bởi những trường hợp do hoàn cảnh lịch sử mà có nhiều vợ, nhiều chồng như mẹ ông Tươi với ông Bảo xảy ra không ít. Một vấn đề được đặt ra: Liệu tòa chia thừa kế cho một người chỉ sống chung không hôn thú, sau đó gần 60 năm nay đã đường ai nấy đi như trên có hợp lý, có đúng luật.
Theo một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, thực tế gần 60 năm qua, ông Bảo và mẹ của ông Tươi đều đã có gia đình, cuộc sống riêng. Chưa kể, Thông tư 60 mà TAND tỉnh Bình Định viện dẫn chỉ áp dụng để giải quyết vấn đề về hôn nhân - gia đình do điều kiện lịch sử để lại, còn chia thừa kế lại là một quan hệ dân sự khác. Từ đó, việc TAND tỉnh Bình Định đưa ông Bảo vào tham gia tố tụng, xác định ông là đồng thừa kế hàng thứ nhất và chia một phần di sản cho ông là không hợp lý.
Ngược lại, hai ông Hồ Nguyên Lễ và Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP HCM) thì cho rằng TAND tỉnh Bình Định đã giải quyết đúng luật.
Hai ông phân tích: Điểm a Mục 4 Nghị quyết số 02 ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định: Trong trường hợp một người có nhiều vợ hay chồng (trước ngày 13/1/1960 - ngày công bố Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 - đối với miền Bắc; trước ngày 25/3/1977 - ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước - đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật) thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại.
Cạnh đó, điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35 ngày 9/6/2000 của Quốc hội quy định: Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được tòa thụ lý, giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Như vậy, ông Bảo và mẹ của ông Tươi đã sống chung như vợ chồng trước năm 1954, là trường hợp thuộc điểm a Mục 3 Nghị quyết 35 nên không bị buộc phải đi đăng ký kết hôn mới được công nhận là vợ chồng như quy định tại điểm b, điểm c Mục 3 Nghị quyết 35. Mặt khác, cho đến ngày mẹ của ông Tươi qua đời thì họ vẫn chưa ly hôn nên vẫn được xem là vợ chồng (hôn nhân thực tế). Do đó, việc tòa xác định ông Bảo thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ ông Tươi là đúng quy định.
- Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, hôn nhân thực tế chỉ được công nhận nếu đáp ứng được cả hai điều kiện về hình thức và nội dung. Về hình thức: Hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 mà không đăng ký kết hôn. Về nội dung: Hai bên nam, nữ phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1960 (trừ những trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước giải phóng, lấy tiếp vợ hoặc chồng khác đã có thông tư hướng dẫn riêng). Dù thực tế hôn nhân giữa ông Bảo và mẹ của ông Tươi đã không còn tồn tại trong gần 60 năm nhưng mối quan hệ này không kết thúc bằng một bản án ly hôn, cũng không kết thúc theo trường hợp được quy định trong Thông tư 60 ngày 22/2/1978 nên pháp luật vẫn công nhận đây là quan hệ hôn nhân thực tế. Do đó, tại thời điểm mở thừa kế, ông Bảo vẫn là người thừa kế của mẹ ông Tươi. Tòa xử đúng nhưng do hoàn cảnh lịch sử trước đây nên pháp luật hôn nhân gia đình vẫn công nhận quan hệ hôn nhân thực tế. Nhưng ở vụ trên, dù pháp luật có chấp nhận tư cách thừa kế của ông Bảo thì về mặt thực tế và cả về mặt đạo lý, ông Bảo không xứng đáng được hưởng phần di sản mà mẹ ông Tươi để lại. Do đó, nếu đã có quy định về hôn nhân thực tế thì có thể các nhà làm luật cũng nên xây dựng quy định về ly hôn thực tế để bảo vệ xác đáng hơn quyền lợi của những người liên quan trong các trường hợp tương tự. (Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam tại TP HCM). - Lẽ ra tòa sơ thẩm nên làm rõ nguồn gốc sổ tiết kiệm mà mẹ của ông Tươi để lại là có trong thời kỳ hôn nhân nào với người chồng nào để từ đó xác định phần của bà. Bởi sau ông Bảo thì mẹ của ông Tươi còn chung sống với hai người chồng nữa. Trong quá trình đó, bà có thể cùng những người chồng này tạo lập ra phần tài sản là tiền trong sổ tiết kiệm. Vì vậy, nếu tòa chia thừa kế vội vã e rằng sẽ không thuyết phục. (Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP HCM). |
Theo Pháp luật TP HCM