Gần một tháng nay, người dân thôn Châu Mai (xã Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) nháo nhác khi ngày rút tiền đã trôi qua cả tháng mà "chủ phường" đóng hụi tên Phượng (người cùng thôn) vẫn khất lần không trả. Một số gia đình cho biết, có những người góp tới 500-600 triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn vì không đòi được tiền.
Nằm ở cuối thôn, gia đình bà Đào Thị Thắm (72 tuổi) sống trong căn nhà cấp bốn xập xệ nhiều năm nay. Giữa năm 2017, gia đình bà khởi công xây căn nhà ba tầng với số tiền tích cóp nhiều năm. Vì không rút được tiền từ chủ phường, công trình phải bỏ dở khi vừa xong phần thô. Tiền công thợ, vật liệu xây dựng nợ chồng chất.
Bà Thắm cho hay, theo quy luật, đều đặn mỗi tháng người chơi sẽ bỏ ra một khoản tiền nhất định. Sau 20 đến 30 tháng sẽ được rút toàn bộ số tiền đã bỏ ra cùng với vài triệu tiền lãi. Gia đình bà đã “đi phường” được 30 tháng, mỗi tháng 20 triệu đồng. Theo lịch, cuối tháng 10, bà được rút hơn 600 triệu đồng. “Vốn liếng cả đời mà vợ chồng tôi cùng con trai và con dâu tiết kiệm được, giờ làm sao đòi lại được”, bà Thắm khóc.
Hai tháng nữa là đến Tết nên bà càng nóng lòng hơn. Chiều mỗi ngày, bà Thắm lại lom khom chống gậy đi đòi nợ. “Khoảng thời gian chủ phường mất liên lạc, bỏ nhà đi đâu không ai biết, tôi quá buồn nên phải đi cấp cứu. Hiện, gia đình tôi chỉ mong muốn lấy được số tiền gốc đã bỏ ra để hoàn thiện căn nhà, có cái tết an yên”, bà nói.
Theo một số người dân, chơi phường là cách để tiết kiệm từ món tiền nhỏ thành khoản tiền lớn như gửi ngân hàng. Song nó linh động hơn vì chỉ là quan hệ giữa người chơi và chủ phường.
Khốn đốn vì chơi phường
Trong căn nhà cấp bốn khoảng 100m2 của bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi), nhiều hàng xóm đến động viên vì bà đang đứng trước “nguy cơ mất trắng”. Từ khi chồng chết, bà Mượn sống một mình 15 năm nay. Để có khoản tiền chữa bệnh lúc về già, bà quyết định góp phường khi được nhiều người giới thiệu “chị Phượng rất uy tín”.
Theo bà Mượn, mỗi tháng bà góp được bốn triệu đồng từ khoản tiền bán rau và con cháu biếu. Hơn 30 tháng nay, bà đổ cả số tiền này vào phường. Bà còn “đi phường” hộ cả cháu gái đang lao động bên Nhật Bản với số tiền 2 triệu đồng mỗi tháng. Thời hạn rút là đầu tháng 11 với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng song đến nay bà chưa nhận được đồng nào.
Ông Tam (77 tuổi) cũng cho hay đã góp phường được hơn 500 triệu đồng song quá ngày rút hơn một tháng vẫn chưa thấy tiền đâu. Số tiền này ông dự tính xây nhà và chữa bệnh cho vợ. Giờ căn nhà mới chỉ xong phần móng, vợ ông thì đang chờ tiền để đi mổ. Ông vẫn hy vọng mọi thứ sẽ suôn sẻ để những ước mơ không dang dở.
Một số người dân cho hay, chủ phường Phượng (36 tuổi) có nghề chính là buôn bán hàng khô và mở "phường hụi" từ khoảng 10 năm qua. Thấy chị làm ăn uy tín, người tham gia chơi đông và "phường hụi" này nhanh chóng lớn nhất làng.
Trước thông tin "vỡ phường", chị Phượng từ chối tiếp xúc với phóng viên, nói "không trả lời, mọi chuyện để nhà chức trách xử lý".
Chủ tịch xã Liên Châu, ông Đào Quang Huệ cho biết, hiện có hơn 80 hộ dân trình báo về việc không được chị Phượng trả tiền. Do nhiều người chưa nói số tiền nên xã mới ghi nhận nghi vấn "vỡ hụi" hơn 8 tỷ đồng. “Vụ việc quá lớn, vượt thẩm quyền giải quyết của chúng tôi. Công an huyện Thanh Oai đã vào cuộc thụ lý và tìm hướng giải quyết”, ông Huệ nói.
Cũng theo ông Huệ, chị Phượng đi khỏi địa phương hơn chục ngày song hiện đã về. Nhà chức trách xã khuyên người dân nên tới uỷ ban xã trình báo cụ thể và tránh hành vi kích động để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Luật sư Kiều Anh Vũ cho hay, chơi phường (hay còn gọi là họ, hụi, biêu) được pháp luật cho phép. Song nếu bị xác định dùng số tiền chơi vào việc cá nhân, chủ phường có thể sẽ bị xử lý hình sự. Trong trường hợp chủ phường chứng minh được chưa trả được tiền do những người chơi khác chưa nộp đủ tiền thì sẽ giải quyết trong vụ kiện dân sự.