Lê Tuấn Long, một mắt xích trong đường dây đã bị bắt giam ngày 30/10. |
Ngày 30/10 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an, đã tấn công vào mạng lưới buôn lậu xăng dầu liên quan tới Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco), thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tại Hà Nội, Cơ quan điều tra bắt tạm giam Nguyễn Viết Hoa và Lê Mạnh Hà (trưởng Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu và kế toán trưởng của Vinapco). Tại TP HCM, ba người khác bị bắt, gồm Lê Anh Vân, Nguyễn Văn Giao (giám đốc và nguyên trưởng Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam, thuộc Vinapco), và Lê Tuấn Long, giám đốc Công ty TNHH vận tải hàng hóa và thương mại Bảo Anh. Năm bị can bị khởi tố về tội buôn lậu và tham ô.
Vinapco là doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong cung ứng nhiên liệu phục vụ vận tải hàng không tại tất cả sân bay trong nước. Ngoài ra, công ty còn mở rộng kinh doanh dịch vụ tạm nhập tái xuất xăng dầu sang Trung Quốc và Campuchia cho các công ty khác. Từ năm 1997 đến 2003, Vinapco đã ký nhiều hợp đồng tái xuất với số lượng gần 65 triệu lít nhiên liệu các loại, trị giá hơn 11 triệu USD. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, một phần số xăng dầu này đã không được tái xuất mà để lại tiêu thụ trong nước thu lợi bất chính.
Nhà riêng của Lê Tuấn Long ở 121 Trần Bình Trọng, quận 5. |
Cụ thể, từ ngày 3/3/1999 đến 11/4/1999, Vinapco liên tiếp xuất 11 hóa đơn, tổng trị giá khoảng 700.000 USD với hai loại mặt hàng xăng A83 và dầu DO. Đây là số xăng dầu về thủ tục, hồ sơ là được tái xuất sang Campuchia, nhưng thực tế đã để lại toàn bộ Việt Nam tiêu thụ. Thay vì phía nước ngoài thanh toán bằng ngoại tệ, Vinapco lại nhận thanh toán bằng tiền Việt ngay tại Việt Nam. Trong nhiều hợp đồng làm ăn của Vinapco, các bên mua hàng, vận chuyển hàng đều là đối tượng nằm trong vụ án Trần Thế Hùng buôn lậu xăng dầu.
Tiếp đó, từ năm 2000, các cán bộ của Vinapco và Xí nghiệp thương mại dầu khí hàng không miền Nam đã móc nối với Công ty Bảo Anh, tiếp tục lập ra đường dây buôn lậu xăng dầu với thủ đoạn tương tự là hình thức tạm nhập tái xuất. Cơ quan chức năng chỉ xác minh 4 hợp đồng (từ năm 2000 đến 2002) mà Xí nghiệp thương mại dầu khí hàng không miền Nam ký với Bảo Anh thuê chuyển tải dầu từ tàu nước ngoài ở Vũng Tàu vào bờ hoặc tới nơi mua, cho thấy Vinapco đã không quyết toán với công ty này về lượng dầu hao hụt, làm thiệt hại gần 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Bảo Anh không thực hiện vận chuyển một số lượng lớn dầu, nhưng vẫn được Vinapco thanh toán khống cho gần 4 tỷ đồng. Ước tính, những đối tượng trong vụ án đã bỏ túi hàng tỷ đồng từ số nhiên liệu để lại tiêu thụ trong nước do trốn được thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí xăng dầu. Mặt khác, theo cơ quan điều tra, lợi dụng chức vụ lãnh đạo và quản lý, một số cá nhân trong Vinapco và Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam có dấu hiệu tham ô hàng tỷ đồng.
Cũng liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu vợ chồng Trần Thế Hùng cầm đầu, ngày 29/10, Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt, khám xét 3 đối tượng liên quan. Đó là Đỗ Như Quế, phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Phạm Quang Khiêm, nguyên kế toán trưởng công ty và Hồ Văn Thuận, Giám đốc Xí nghiệp Hoa Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai. Trước đó, tháng 12/2002, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển Nguyễn Đình Lợi đã bị bắt giam.
Đỗ Như Quế bị khởi tố vì hành vi buôn lậu xăng dầu ở miền Bắc. Theo cơ quan điều tra, Quế phải chịu trách nhiệm hình sự vì lý do có một lô hàng xăng dầu đáng lẽ phải tạm nhập tái xuất, nếu không xuất kịp được như đúng thời gian quy định thì xin gia hạn. Trong trường hợp không gia hạn được nữa thì mới phải xin phép tiêu thụ trong nước và nộp thuế. Trên thực tế, công ty này cứ tiêu thụ ở trong nước mà không báo cáo. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, sau khi vụ án của Trần Thế Hùng xảy ra, số xăng dầu mà Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển vẫn đưa vào bán trong nước (lẽ ra phải tái xuất) gồm dầu Mazut 1.030 tấn, dầu Diezen 3.553 tấn. Số thuế nhập khẩu thất thu là hơn 1,8 tỷ đồng.
Theo một cán bộ có trách nhiệm, vụ lừa đảo tiền thuế này đã được phát hiện từ mấy năm trước, công an đã thụ lý, nhưng dùng dằng mãi không xử lý. Vị cán bộ này cho biết thêm, sở dĩ Công ty Hoa Sơn (Gia Lai) cũng liên quan vì đã nhờ Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển xuất ủy thác một lô hàng mực khô cho đối tác nước ngoài, nhưng qua xác minh đó là công ty "ma". Khi vụ việc bị phát hiện, hai công ty đã kịp rút của nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét các dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc nhập khẩu 400 ôtô và 300 tấn phụ tùng ở Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư đường biển.
Việt Hòa