Ngày 28/11, Bộ đội biên phòng TP HCM phối hợp với các đơn vị lập hồ sơ xử lý sà lan hút cát trái phép trên vùng biển Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ). Chủ phương tiện bị tạm giữ đang bị triệu tập để điều tra.
Rạng sáng hôm qua, hàng chục trinh sát Phòng chống tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng TP HCM tuần tra, phát hiện tại vùng biển Cồn Ngựa 4 sà lan dùng máy bơm công suất lớn, hút cát từ cửa biển lên.
Thấy tàu của lực lượng chức năng bao vây, các sà lan kéo vòi hút, bỏ chạy. Trong sóng to gió lớn, các chiến sĩ bộ đội biên phòng truy đuổi quyết liệt, áp sát một sà lan, bắt quản lý Trần Văn Hưng (23 tuổi, quê Nam Định) và 4 người. Những sà lan khác lợi dụng trời tối, chạy thoát.
Từ đầu năm đến nay TP HCM bắt 62 vụ khai thác cát trái phép, tịch thu hơn 130 phương tiện trị giá 20 tỷ đồng, xử phạt hành chính 77 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc mới đây với các tỉnh lân cận về việc quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác cát trái phép vùng giáp ranh, TP HCM cho rằng thị trường đang khan hiếm nhưng nhu cầu khai thác cát để xây dựng, san lấp rất lớn, dẫn đến nhiều người bất chấp tổ chức khai thác cát trái phép ở các khu vực giáp ranh, có địa hình phức tạp. Trong đó nhiều nhất là ở vùng biển Cần Giờ.
Tuy nhiên, hiện có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý hình sự loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Luật yêu cầu phải xác định hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự, trong khi không cơ quan tổ chức nào xác định được hậu quả nghiêm trọng của hành vi này. "Hơn nữa, quy định khai thác trên 50 m3 cát trái phép mới tịch thu phương tiện là vô tình tạo điều kiện cho người ta biết 'chỉ lấy 30 hay 40 m3 thôi'", ông Võ Văn Hữu – Phó phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an TP HCM, nói.
Về luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (xử lý hình sự người khai thác trái phép trên 500 khối cát, hoặc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng), ông Hữu cho rằng định lượng như thế vẫn còn lớn, đề nghị thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Nhật Vy