Chiều 4/1, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiếp nhận bị can Phan Văn Anh Vũ do "vi phạm Luật Di trú của Singapore và bị trục xuất".
Một nguồn tin cho hay, ông Vũ có tên trên chuyến bay xuất phát từ Singapore lúc 13h25 (giờ địa phương) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 15h37.
Ông Phan Văn Anh Vũ bị áp giải từ máy bay lên ôtô. Video: Người lao động
Trả lời VnExpress chiều cùng ngày, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) xác nhận người mang quốc tịch Việt Nam Phan Van Anh Vu bị bắt ngày 28/12/2017. Ông này từng ra vào Singapore bằng hai hộ chiếu khác nhau, trong đó có hộ chiếu nhân dạng không đúng. Ngoài ra, Phan Van Anh Vu còn sở hữu hộ chiếu thứ ba.
Cục Di trú Singapore (ICA) đã hoàn tất điều tra và khẳng định: "Phan Van Anh Vu khai báo không đúng sự thật trong tất cả những lần vào Singapore. ICA đã hủy giấy phép vào nước này và trục xuất theo Luật Di trú".
Trước đó, cơ quan an ninh điều tra cáo buộc ông Vũ có dấu hiệu phạm tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 20/12/2017, ông Vũ được xác nhận "đã biến mất". Cơ quan An ninh quyết định khởi tố, thực thi lệnh khám xét. Ngày 21/12/2017, lệnh truy nã bị can Phan Văn Anh Vũ được công bố. Công an kêu gọi người dân tham gia tố giác tội phạm.
12 ngày sau, Cục Di trú Singapore (ICA) ra thông báo xác nhận, ngày 28/12/2017 đã tạm giữ người có tên 'Phan Van Anh Vu' do vi phạm Luật Di trú.
Theo Hiệp định Tương trợ tư pháp về Hình sự ký tháng 11/2004 giữa Việt Nam, Singapore và sáu nước trong khối ASEAN, các quốc gia thành viên "phải dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể trong việc điều tra, truy tố và thủ tục tố tụng tiếp theo".
Ông Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Chấn Phong).
Hiện, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, các văn phòng công chứng, các ngân hàng tổ chức tín dụng... tạm dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu tài sản trên địa bàn Đà Nẵng của nghi can này.
Luật sư Phạm Thanh Bình (Hà Nội) cho biết, theo quy định của cả Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015, hành vi bỏ trốn của nghi can không phải là tình tiết định tội cũng như tăng nặng hình phạt khi bị tòa án xét xử. Chỉ duy nhất, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 140) coi việc "bỏ trốn" là tình tiết định tội. "Vì thế với hành vi bỏ trốn của ông Phan Văn Anh Vũ, tòa án khi xét xử theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999 (tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước) sẽ không coi là tình tiết định tội, tăng nặng hình phạt", luật sư nói. |
Nhóm phóng viên