Phiên sơ thẩm xử hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong vụ án Cố ý làm trái, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã khép lại với phần tuyên án vào sáng 22/1.
Hành vi phạm tội của 22 bị cáo được chia thành hai nhóm: cố ý làm trái và tham ô tài sản.
Ở nhóm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bản án áp dụng theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Với tội danh này, ông Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) bị tuyên 13 năm tù. Ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) phải nhận mức án 14 năm tù. Các bị cáo khác nhận án từ 30 tháng tù treo đến 9 năm tù giam.
Ở tội Tham ô tài sản, dù khởi tố, truy tố theo điều 278 Bộ luật Hình sự 1999, nhưng toà đã áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 với "các tình tiết có lợi cho bị cáo". Theo đó, với điểm a khoản 4 điều 278 Bộ luật Hình sự 1999, người tham ô tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải chịu khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Còn điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 quy định, số tiền tham ô từ một tỷ đồng trở lên mới phải chịu khung hình phạt này.
Chiếu theo luật mới, hành vi tham ô dưới một tỷ đồng của các bị cáo sẽ không còn phải đối mặt với mức phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Ở tội Tham ô tài sản, bản án xác định các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) giao cho Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVX) chỉ đạo Lương Văn Hòa (cựu giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) rút tiền ở dự án Vũng Áng – Quảng Trạch chuyển cho mình sử dụng.
Việc này thông qua đầu mối tiếp nhận là Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC). Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/2/2012, bị cáo Lương Văn Hòa đã cùng các cấp dưới ở ban quản lý dự án là Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Lý Hải, Lê Xuân Khánh lập khống hồ sơ thiết kế thi công quyết toán các hạng mục phụ cận.
Sau đó Lương Văn Hòa cùng vợ chồng Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh (lãnh đạo công ty Quỳnh Hoa) ký khống các hợp đồng để rút hơn 13 tỷ đồng từ ban điều hành.
Với việc bị kết luận tham ô nhiều nhất trong số tiền trên, hơn 4 tỷ đồng, ông Thanh bị tuyên phạt tù chung thân. 9 bị cáo khác phải nhận mức án từ ba năm tù treo đến 16 năm tù.
Ngoài việc được áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi xét xử, tại phiên tòa này ông Thanh cũng là người đầu tiên được đáp ứng đề nghị triệu tập điều tra viên tới phiên tòa để làm rõ việc bị VKS quy kết "quanh co chối tội". Đây là điểm mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, khi có mặt điều tra viên vẫn giữ nguyên quan điểm đã kết luận với ông Thanh.
Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015: Tội tham ô tài sản - Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. - Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. |