Ngày 7/12, TAND cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, xem xét đơn kêu oan của Điểu Phong (27 tuổi, ngụ Bình Phước) về tội Giết người.
Theo án sơ thẩm, sau buổi nhậu chiều 9/10/2011 tại nhà bà ngoại tên Kép (71 tuổi) ở thị xã Bình Long (Bình Phước), Phong ở lại với Điểu Sớm.
Bà Kép đi mót mủ cao su về thấy Phong ói nên lớn tiếng mắng chửi. Phong sang nhà người thân ở kế bên ngủ.
Sáng hôm sau, Phong xuống nhà bếp lấy nước uống, thấy con dao nên nảy sinh ý định giết bà Kép. Khi bà ngoại từ trong nhà ra, anh ta ôm từ phía sau, đâm nhiều nhát. Điểu Sớm thức dậy nhìn thấy nhưng sau đó đi ngủ tiếp.
Phong cầm dao ra suối rửa tay chân rồi quay về nhà người thân. Nghe tiếng kêu cứu, Điểu Sớm, con gái và cháu ngoại bà Kép chạy ra thấy bà bị thương ngồi trước cửa.
Sớm và Phong sau đó đưa bà Kép đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.
Phong bị bắt sau đó về tội giết người. Sớm cũng bị điều tra về hành vi không tố giác tội phạm do thấy Phong ôm bà Kép nhưng không khai báo.
Năm 2013, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt Phong mức án chung thân, Sớm nhận 17 tháng 8 ngày tù về tội Không tố giác tội phạm.
Quá trình điều tra xét xử sơ thẩm, Sớm thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết, lúc thức dậy đi vệ sinh nhìn thấy Phong ôm bà Kép. Khi nghe tiếng bà Kép khóc, anh ta chạy lại "nhìn thấy bóng một người vừa chạy đi, dáng giống Điều Phong".
Riêng Phong kêu oan, cho rằng bị đánh đập, ép cung nên mới có những bản khai nhận tội. Tuy nhiên, anh ta chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện cho bị hại, bà Út (mẹ Phong) kháng cáo kêu oan cho con.
Ba năm trước, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, hủy toàn bộ bản án của TAND tỉnh Bình Phước để xét xử lại từ đầu vì có nhiều vi phạm tố tụng.
Hồi tháng 7 năm ngoái, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần hai, giữ nguyên phán quyết ban đầu. Phong và đại diện gia đình nạn nhân tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Trong phiên xử hôm nay, toà mời phiên dịch cho Điểu Phong do bị cáo là người dân tộc thiểu số. Anh ta vẫn một mực khẳng định không giết bà ngoại.
Bà Út cũng kêu oan cho con trai. "Tôi nghe chị tôi kể bà bị ngã chết chứ không phải do Phong giết. Con trai tôi không giết người", bà nói.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng, cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: bị cáo là người dân tộc thiểu số nhưng quá trình lấy lời khai không có người phiên dịch; luật sư của bị cáo không được theo suốt giai đoạn đầu tố tụng; cơ quan điều tra còn lấy lời khai vào ban đêm; lời khai của các nhân chứng và bị cáo tại tòa mâu thuẫn với bản án sơ thẩm.
Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của Phong và đại diện người bị hại, tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại.
Vụ án quay về điểm xuất phát sau 6 năm điều tra.
Hải Duyên