Đầu tháng 10, chị Mai giật mình khi đọc quảng cáo được gửi đến qua tin nhắn điện thoại với nội dung: "Bên em nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp ba và các chứng chỉ khác. Đảm bảo anh chị hài lòng. Giao hàng mới nhận tiền" và kèm theo là số điện thoại liên hệ.
Trước việc công khai chào mời trong khi đây là việc làm phạm pháp, chị Mai tìm hiểu thì thấy trên mạng có rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội tiếp thị mặt hàng này.
Tò mò gọi vào số điện thoại trên một trang web quảng cáo nội dung này, chị thấy một người đàn ông giọng miền Nam xác nhận bán các loại bằng với giá rẻ. Anh ta nói cung cấp từ bằng trung học cơ sở đến cử nhân đại học, tiến sĩ. Tất cả “đều giống y nguyên bằng thật”.
Để chứng minh uy tín, người này không bắt khách phải đặt cọc, khi nào nhận hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho người vận chuyển. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần cung cấp tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, tên trường muốn làm, ngành đào tạo, năm tốt nghiệp, loại bằng...
Một tấm bằng đại học có giá 4 triệu đồng, bao gồm bằng, bảng điểm và 5 bộ photo công chứng. Bằng tốt nghiệp THPT có giá 3 triệu đồng và 2,5 triệu đồng, gồm cả bộ học bạ kèm theo. Tất cả đều có sẵn bản photo công chứng.
Một tài khoản có tên "Làm bằng đại học ....” trên Facebook cũng quảng cáo rằng nhận làm các loại bằng đại học, cao đẳng, chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, bằng lái xe ôtô các hạng... Họ cam kết phôi gốc, tem thật (bảy màu và sáu cánh), dấu mộc giáp lai nổi.
Trong ba ngày kể từ khi “chốt” đơn người mua sẽ nhận được hàng. Tuy nhiên, nếu khách cần gấp trong ngày sẽ phải chi thêm từ 500.000 đến một triệu đồng.
Khi người mua ngỏ ý sợ bị công an bắt quả tang lúc đang giao dịch, người bán bằng liền trấn an mọi quy trình từ sản xuất đến giao hàng đều khép kín nên “không phải sợ”. Họ nói việc bị phát hiện là "không thể" bởi bằng giả giống bằng thật “đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Để củng cố hơn niềm tin, người bán sẵn sàng gọi video qua mạng xã hội để khách hàng kiểm chứng bằng.
Nhiều vụ án được phá song tội phạm vẫn không chờn tay
Lê Tấn Cường (32 tuổi, quê Bình Định) tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin song nhiều năm vẫn không xin được việc làm nên cùng Lữ Minh Trí (33 tuổi) lập thành đường dây chuyên cung cấp bằng giả. Cường cầm đầu kiêm đầu mối tiêu thụ, Trí lo sản xuất.
Đường dây của Cường quảng cáo cung cấp chứng chỉ Bộ Giáo dục của các trường đại học từ Bắc vào Nam với giá 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi chiếc. Bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT các loại giá 5-7 triệu đồng. Chứng chỉ Toeic IIG quốc tế giá 5-7 triệu đồng một chiếc. Chứng chỉ anh văn châu Âu A2, B1, B2, C1, C2 giá 5-7 triệu đồng một bản. Đặc biệt anh ta còn bán buôn và mời chào “ai làm số lượng nhiều sẽ có giá ưu đãi”.
Khi khách gọi vào số hotline, đọc họ, tên, ngày tháng năm sinh, chuyên ngành và tên trường mong muốn và chốt “hạn nhận”, Cường cam kết bằng, chứng chỉ sẽ chuẩn từ dấu giáp lai, tem bẩy mầu, phôi thật 100%. Nhận đơn hàng, Cường điều hành 5 đàn em tham gia sản xuất.
Bằng giả có thể đặt trước vài ngày, một ngày, thậm chí sau một giờ cũng có. Đối với khách ngoại tỉnh hay vùng, miền ngoài TP HCM, bằng sẽ chuyển qua đường bưu điện, còn tiền Cường nhận qua tài khoản ngân hàng.
Bị bắt sau hai năm hoạt động, Cường nói có khi đơn hàng nhiều, đường dây phải nhập một lúc tới cả hàng nghìn phôi bằng từ Trung Quốc. Mỗi ngày làm 20-30 sản phẩm.
Tháng 9/2017, Cường bị TAND TPHCM phạt ba năm sáu tháng tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Các đồng phạm của anh ta lĩnh từ một năm sáu tháng tù (cho hưởng án treo) tới ba năm tù về cùng tội danh.
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP HCM) triệt phá đường dây làm bằng cấp giả các loại do Lương Ngọc Định (30 tuổi, quê Thanh Hóa) cầm đầu. Đường dây này cung cấp bằng giả cho hơn 30 đại lý trên cả nước với giá 300.000-500.000 đồng một bằng. Các đại lý chủ yếu quảng cáo qua mạng xã hội sau đó bán lại với giá 2,5-4,5 triệu đồng trên một chứng chỉ, bằng đại học giả.
Khám xét xưởng của Định, cảnh sát thu khoảng 1.600 con dấu, 56 bằng cấp, chứng chỉ thành phẩm, khoảng 10.000 phôi các loại và các công cụ khác như máy in, ép, photocopy...
Người mua cũng có nguy cơ bị xử lý hình sự
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết, theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu hoạt động có tổ chức, hai lần trở lên, làm 2-5 con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, thu lời bất chính 10-50 triệu đồng..., người vi phạm có thể bị phạt tù 2-5 năm. Hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù nếu người phạm tội thu lời bất chính 50 triệu đồng trở lên, làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên...
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP.
Ở quy định này, người mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Người làm giả văn bằng bị phạt 20-40 triệu đồng.