Trong các bị can có bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình), bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
6 luật sư tham gia bào chữa cho bác sĩ Lương.
Đầu tháng 5, trong phòng bệnh chật kín chỗ, dù sát ngày hầu tòa, Lương vẫn đều đặn đi làm. Đến bên chiếc giường dành cho bệnh nhi viêm phổi, bại não bẩm sinh, Lương nhẹ nhàng kiểm tra từng đường ống đang nối từ thiết bị y tế với cơ thể chỉ còn da bọc xương, nằm thoi thóp của cậu bé.
Ở giường bệnh có ông cụ nằm im lìm chỉ thấy lồng ngực thoi thóp, Lương cúi sát đầu xuống tai cụ nói nhỏ. Bệnh nhân choàng tỉnh, mỉm cười và như muốn nói điều gì đó song cơn ho dài kéo ập đến đến. Nam bác sĩ ra hiệu cụ đừng nói, thăm khám xong rồi chuyển tới giường bệnh khác...
Lương cho hay, Khoa hồi sức tích cực là nơi tiếp nhận những ca bệnh "khó nhằn" nhất. Người bệnh được chuyển tới đây đều đối mặt với tử thần trong gang tấc vì thế các bác sĩ phải giành giật sự sống từng phút giây.
Về ca tai biến chạy thận xảy ra hơn 300 ngày trước, Lương nói hôm đó (29/5/2017) cũng như bao ngày làm việc khác, thấy bệnh nhân đủ điều kiện, anh ra y lệnh cho chạy máy lọc thận nhân tạo. Nhưng chỉ hơn nửa tiếng sau, các bệnh nhân đồng loạt xảy ra hiện tượng bất thường... Trong "ngày khủng khiếp đó" anh đã làm tất cả những gì tốt nhất để bệnh nhân được sống song vô vọng.
Những ngày tiếp theo, Lương liên tục phải làm việc với cán bộ điều tra song chưa từng nghĩ sẽ bị khởi tố cho tới hôm bị giữ lại sau buổi thẩm vấn. Lương bị khởi tố, mang thân phận bị can về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau thời gian ngắn bị tạm giam, Lương được tại ngoại, trở lại công việc thường ngày tại bệnh viện.
Chia sẻ tâm trạng trước ngày bị xét xử, Lương trầm giọng: “Tôi tin mình vô tội. Dù có chuyện gì xảy ra sắp tới, tôi vẫn nguyện được cống hiến suốt đời cho nghề y".
“Hiếm có người nào tận tình với công việc và quan tâm bệnh nhân như anh. Thời gian vắng bác sĩ Lương, tôi luôn cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì đó rất khó diễn tả”, bà Nguyễn Thị Minh, người đang chạy thận suốt bảy năm tại bệnh viện chia sẻ.
Ông Lê Xuân Hoàng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho hay bệnh viện luôn tạo điều kiện tốt nhất để bác sĩ Lương được tiếp tục công tác cũng như hợp tác với các cơ quan tố tụng để giải quyết các vấn đề pháp lý.
Ông đánh giá Lương là bác sĩ trẻ có triển vọng, tay nghề vững. Hơn bảy năm gắn bó với bệnh viện, Lương chưa từng có sai sót trong điều trị, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.
Về việc gia đình bệnh nhân đang yêu cầu bệnh viện bồi thường sau ca tai biến, ông Hoàng cho hay giữa hai bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng nên sẽ chờ phán quyết của tòa. Trong vụ án này, bệnh viện tham gia với tư cách bị đơn dân sự.
Theo cáo trạng, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội Vô ý làm chết người, điều 98 Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng nêu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện việc điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Do chưa có điều kiện thành lập khoa riêng nên Đơn nguyên thận nhân tạo được bố trí nằm trong Khoa hồi sức tích cực.
Ngày 20/4/2017, Sơn nhận được thông báo hệ thống lọc nước RO số 2 bị hỏng nên đến kiểm tra, tự đi mua một bộ khởi động từ về thay thế. Sau khi khởi động được hệ thống lọc nước, anh thấy cần thay thế một số vật tư nên lập biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị.
Cùng ngày, bác sĩ Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Ngày 25/5/2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Công ty Thiên Sơn sau đó ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do Quốc làm giám đốc.
Sáng 28/5/2017, Quốc đến bệnh viện để thực hiện việc sửa chữa, thay thế hệ thống lọc nước RO số 2. Quốc sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Hai loại hoá chất trên không có trong danh mục được dùng trong y tế.
Ngoài ra, khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.
*Quy trình chạy thận nhân tạo diễn ra thế nào?
Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, khi được thông báo hệ thống lọc nước RO số 2 đã sửa chữa xong, bác sĩ Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và cũng không báo cáo với trưởng khoa. Lương sau đó ra y lệnh chạy thận và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường khi thấy các chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận.
8h30 cùng ngày, tất cả 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máu đều có biểu hiện nôn, ngứa, chóng mặt. 8 nạn nhân tử vong sau đó.
Cáo trạng xác định, bị can Lương với trình độ, trách nhiệm được giao, bị can Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Tuy nhiên sáng 29/5/2017, khi nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.
Bị can Sơn được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, tuy nhiên đã không trực tiếp có mặt để giám sát.
Khi giao nhận qua điện thoại vào chiều 28/5/2017, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo. Sơn không báo cáo lãnh đạo phòng và sáng 29/5 để mặc cho đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 7 đến 11/5.